An ninh - Hình sự

Lộ diện "ông lớn" điều hành kho hàng lậu hơn 10.000m2, livestream bán vài trăm đơn mỗi ngày

Lực lượng công an đánh sập kho hàng lậu rộng 10.000 m2 tại TP. Lào Cai với nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc. Theo lời khai nhân viên, mỗi ngày, tối thiểu kho chốt được 100-150-200 đơn hàng để chuyển đi các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 7/7, lực lượng chức năng đã tiến hành đột kích vào một kho hàng lậu rộng hơn 10.000 m2 tại số 145 đường Hoàng Diệu, TP. Lào Cai.

Lực lượng công an đã huy động gần 100 cảnh sát cơ động phối hợp cùng với lực lượng Quản lý thị trường đã ập vào kho hàng này. Tại đây, các nhân viên bên trong vẫn đang livestream bán hàng trên các tài khoản Facebook. Tiến hành kiểm tra kho hàng này, lực lượng chức năng phát hiện có rất nhiều loại hàng hóa như giày dép, kính mắt, đồng hồ, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... không có nguồn gốc xuất xứ.

Cận cảnh kho hàng lậu rộng hơn 10.000 m2 bị phát hiện

Qua làm việc, chủ của kho hàng là Trần Thành Phú (SN 1992, hộ khẩu thường trú tại Lào Cai), cùng em gái của mình trực tiếp điều hành kho hàng. Các mặt hàng tại kho hàng cũng chính là các mặt hàng được Phú tổ chức cho nhân viên livestream bán hàng trên các trang Facebook có tên: Thảo Trần, Giầy đồng giá... như: giầy dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng...

Theo TTXVN, Trần Thành Phú sử dụng tài khoản Facebook Phú Nông Dân để quảng cáo, bán buôn số lượng lớn hàng Quảng Châu, Trung Quốc. Các mặt hàng này giả các nhãn hiệu Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci...

Các mặt hàng được bày la liệt

Mọi hoạt động tại kho hàng tại kho hàng được điều hành khép kín bài bản với 3 - 5 nhân viên chuyên livestream bán hàng cùng với gần 40 nhân viên ngồi máy tính chốt các đơn hàng toàn quốc. Sau đó, thực hiện đóng hàng và vận chuyển theo đường chuyển phát nhanh tới tay người mua hàng.

Số lượng nhân viên chốt đơn đông đảo trong đường dây này

Tất cả các hàng hóa ở đây sau đó sẽ được đóng gói và vận chuyển dựa trên các đơn hàng được đặt hàng trực tuyến trên mạng Internet bao gồm cả bán buôn và bán lẻ. Hàng hóa được bố trí, sắp xếp tổ chức thành từng lô từng dãy. Bên cạnh đó, đối tượng có tổ chức tại các phòng, ban như phòng kinh doanh, phòng chốt đơn hàng, phòng vận chuyển và lợi dụng các hãng vận chuyển chính thức của Việt Nam tuồn hàng đi khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Giày nhái thương hiệu Adidas

Phần mềm chốt đơn được nhân viên ở đây sử dụng để chốt đơn cho khách mua hàng

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, trong những năm gần đây với sự phát triển của thương mại tử, các hãng vận chuyển, giao nhận chuyển phát nhanh có được kênh kinh doanh rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn gốc của các sản phẩm được bán hoặc được vận chuyển trên các kênh của các hãng vận chuyển. Các cơ quan chức năng cho đến hệ thống pháp lý cũng như các cơ quan kiểm soát thị trường cần phải kiểm tra để làm rõ được nguồn gốc của các sản phẩm.

Đặc biệt đối với những địa bàn giáp ranh với biên giới thì Tổng cục quản lý thị trường sẽ có những chuyên án riêng phối hợp với các lực lượng chức năng để có thể theo sát và tìm ra được những đường dây chuyên bán các sản phẩm hàng lậu và đặc biệt là hàng giả trên thị trường.

Cơ quan chức năng cho biết thêm, kho hàng này đã tồn tại nhiều năm qua tại thành phố Lào Cai với vai trò như một điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu. Do số lượng hàng trong kho lớn nên dự kiến lực lượng chức năng sẽ phải tiến hành kiếm đếm hết ngày 8/7 mới có thể hoàn thành và bàn giao vụ việc cho các ngành chức năng tiếp tục xử lý theo pháp luật.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.

Liên quan đến việc bắt giữ kho hàng lậu, báo Tuổi Trẻ thông tin, trước đó, ngày 17/6, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 4 tấn hàng bao gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em không hóa đơn chứng từ tại kho hàng của Vietnam Airlines ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Số hàng hóa không rõ nguồn gốc bị tạm giữ

Cụ thể, trong hai ngày 15 và 16/6, Đội quản lý thị trường số 3 chức năng đã kiểm tra phương tiện vận tải, đồ vật tại kho hàng quốc nội Vietnam Airlines - chi nhánh khu vực miền Nam (49 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM). Toàn bộ các kiện hàng thuộc vận đơn 73845261742 trên chuyến bay VN1820.

Đội quản lý thị trường số 3 lập biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật với ông M.N.D. là nhân viên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Y.

Kiểm tra hàng hóa thực tế thuộc vận đơn trên chuyến bay VN1820 là 168 kiện hàng hóa (hơn 4 tấn hàng) gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em. Theo đánh giá của Tổng cục quản lý thị trường, đây là số lượng hàng hóa rất lớn vận chuyển theo đường hàng không, đồng thời ông D. chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ nên Cục quản lý thị trường đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa chuyển về kho tang vật để kiểm đếm mặt hàng, chủng loại, số lượng.

Toàn bộ số hàng đã bị tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên, đồng thời đề nghị thông báo cho chủ lô hàng đến cơ quan chức năng làm việc theo quy định của pháp luật.

Đăng Khoa (t/h)