Sự kiện

Lộ chiêu “tàng hình” né xử phạt của chủ xe ba gác

Chỉ cần bỏ ra từ 25 - 40 triệu đồng, người mua có thể sở hữu một chiếc xe ba gác để chở hàng. Tuy nhiên, những chiếc xe này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ nên khi vi phạm, chủ xe chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”.

Thời gian gần đây, tình trạng xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh, quá trọng tải xuất hiện nhiều trên các tuyến đường ở tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành lân cận. Tình trạng này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn những vụ tai nạn đáng tiếc.

Điều đáng chú ý, qua kiểm tra của ngành chức năng, phần lớn các xe ba gác trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận đăng ký bị làm giả.

Chủ phương tiện thừa nhận, do không có tiền nên đành chấp nhận rủi ro, mua xe từ các tay cò ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM với giá chỉ bằng 1/3 so với các phương tiện cùng loại có giấy tờ hợp lệ.

Hình ảnh xe ba gác chở thanh sắt dài gây cản trở giao thông. (Ảnh: Thanh Lâm).

Anh Nguyễn Văn H., một tài xế xe ba gác ở huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, bản thân từng bỏ ra gần 40 triệu đồng để mua một chiếc xe ba gác dạng qua tay, không rõ nguồn gốc để chở hàng. Dù xe có đủ giấy chứng nhận đăng ký, trùng với biển số nhưng mỗi khi lưu thông trên đường, nhìn thấy lực lượng tuần tra là trong lòng anh bắt đầu lo sợ.

Để đối phó, anh H. đành cho phương tiện rẽ vào các con đường khác để đi. Thậm chí, anh phải cho phương tiện dừng lại, chờ lực lượng tuần tra rời đi thì mới dám tiếp tục di chuyển.

Việc chạy xe ba gác mà “né” ngành chức năng tuần tra là chuyện xảy ra thường ngày. Đồng thời, việc giao hàng chậm trễ cho khách rồi bị phàn nàn trong trường hợp này cũng khó tránh khỏi.

Theo anh H., do cuộc sống khó khăn nên người mua mới “liều” bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu những chiếc xe ba gác kiểu này bởi rủi ro sẽ rất cao khi bị ngành chức năng kiểm soát.

Hàng hóa cồng kềnh chất đầy trên xe ba gác, tiềm ẩn tai nạn giao thông. (Ảnh: Thanh Lâm).

Trước thực trạng trên, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Hồ Văn Út Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Long.

Thượng tá Hồ Văn Út Anh cho biết, thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện, tạm giữ hàng chục phương tiện xe ba gác vi phạm. Các phương tiện này, chủ yếu mắc lỗi vi phạm như: Xe ba gác có giấy chứng nhận đăng ký nhưng qua xác minh, tra cứu của PC67 thì biển số xe là của xe 2 bánh hoặc xe không có giấy tờ, chỉ gắn biển số rồi lưu thông.

Một phương tiện xe ba gác vi phạm bị tạm giữ mang biển số tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Thanh Lâm).

Theo Thượng tá Hồ Văn Út Anh, đối với những trường hợp vi phạm, chủ phương tiện xe ba gác không chứng minh được nguồn gốc phương tiện, đơn vị sẽ chuyển cho cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, làm rõ để tiến hành các bước xử lý tiếp theo, đúng quy định của pháp luật.

Riêng các trường hợp phương tiện xe ba gác chở hàng cồng kềnh, lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở là chủ yếu. Bởi, đa phần những người hành nghề chạy xe ba gác đều có cuộc sống khó khăn. Họ dùng phương tiện này để mưu sinh và nuôi sống cả gia đình.

Nhiều xe ba gác vi phạm bị cảnh sát tạm giữ chờ xử lý. (Ảnh: Thanh Lâm).

“Được biết, giá mỗi xe ba gác không rõ nguồn gốc dao động từ 25 - 40 triệu đồng. Các phương tiện cùng loại, có giấy tờ hợp lệ, giá lên đến hơn 150 triệu đồng. Do vậy, khi mua những phương tiện xe ba gác về sử dụng, người dân cũng cần cân nhắc và cẩn trọng xác minh, đối chiếu giấy tờ xe xem có hợp lệ hay không rồi mới quyết định mua”, Thượng tá Hồ Văn Út Anh khuyến cáo.