Thế giới

LNG có thể cứu châu Âu khỏi khủng hoảng năng lượng?

Các nhà lãnh đạo quốc gia ở cả đôi bờ Đại Tây Dương đang ngày càng lo lắng về tính dễ bị tổn thương của an ninh năng lượng ở châu Âu.

Dự trữ khí đốt của châu Âu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, đúng vào lúc nhu cầu năng lượng mùa đông đạt đỉnh. Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu lục này, liệu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể lấp đầy khoảng trống?

Quy mô thực sự của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu được cảm nhận trong tuần này khi ngân hàng thương mại lớn thứ hai của Đức Commerzbank AG công bố dữ liệu cho thấy lượng tồn kho dự trữ khí đốt tự nhiên hiện tại trên toàn Liên minh châu Âu (EU), trang DW của Đức bình luận.

An ninh năng lượng của châu Âu bị đe dọa?

Các cơ sở lưu trữ của các quốc gia EU đều chưa đầy một nửa ngay giữa mùa đông khi nhu cầu đạt đỉnh, theo Commerzbank.

"Tồn kho hiện tại ở mức khoảng 47% của tổng công suất", Bernd Weidensteiner, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Commerzbank có trụ sở tại Frankfurt, nói với DW. "Thông thường, mức tồn kho cho thời điểm này trong năm là khoảng 60%... Điều đó nghĩa là tồn kho đang thấp hơn đáng kể so với bình thường".

Châu Âu đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng khi tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga cắt giảm cung cấp khí đốt tự nhiên cho EU từ tháng 10/2021, khiến giá cả tiếp tục tăng vọt.

Nga, nước cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, bị cáo buộc sử dụng xuất khẩu năng lượng của mình làm đòn bẩy trong những căng thẳng về Ukraine, nơi phần lớn khí đốt của Nga được trung chuyển qua.

Phương Tây cho rằng Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, sau khi Điện Kremlin điều hơn 100.000 quân tới gần biên giới với quốc gia Đông Âu trong 2 tháng qua, theo DW.

Gazprom cho biết, họ chuyển ít khí đốt hơn đến EU là do nhu cầu thấp hơn từ người mua châu Âu. Ảnh: CMC Markets

Khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt bổ sung từ Nga có thể được cung cấp cho châu Âu trong năm nay, Bloomberg dẫn ghi chú của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ không thành hiện thực nếu căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự.

Trong khi các nhà ngoại giao Đức và Mỹ đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin không nên làm khủng hoảng leo thang, các nhà lãnh đạo ở cả đôi bờ Đại Tây Dương đang ngày càng lo lắng về tính dễ bị tổn thương của an ninh năng lượng ở châu Âu.

Nếu ông Putin cắt đứt nguồn cung khí đốt tự nhiên trong một cuộc xung đột quân sự hoặc trong một hành động trả đũa đối với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây trong tương lai, chuyên gia kinh tế cao cấp Weidensteiner cảnh báo rằng, "tồn kho dự trữ của châu Âu có thể xuống đến mức cực kỳ thấp".

Để giúp xoa dịu căng thẳng từ nhu cầu cao về khí đốt cho sưởi ấm và cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, tháng trước, khoảng 10 chuyến tàu vận chuyển LNG, vốn đích đến ban đầu dự kiến là châu Á, đã được chuyển hướng sang châu Âu.

LNG có thể lấp đầy khoảng trống?

Động thái này làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu LNG có thể là một giải pháp lâu dài hơn giúp châu Âu giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga.

LNG là một loại khí tự nhiên được làm lạnh thành dạng lỏng và co lại còn 1/600 so với thể tích ban đầu. Chất lỏng thường được xuất khẩu trong những con tàu khổng lồ chứa các thùng cách nhiệt dày để giữ cho khí ở trạng thái lỏng ở nhiệt độ xấp xỉ -162 độ C. Trước khi được đưa vào sử dụng, chất lỏng này được biến trở lại thành chất khí (tái khí hóa).

Từ lâu, Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa do sự thống trị của Nga trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên. Theo DW, đó là một trong những lý do khiến Mỹ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu LNG sang châu Âu.

Nhờ sự bùng nổ của khí đá phiến trong thập kỷ qua, Mỹ hiện là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong khi các công ty năng lượng Mỹ đang tăng gần 20% công suất xuất khẩu LNG, lên 13,9 tỷ feet khối mỗi ngày tính đến cuối năm nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung mới sẽ không đủ để giải cứu châu Âu nếu ông Putin cắt đứt dòng chảy khí đốt sang châu lục này.

Một số tàu chở LNG, vốn có đích đến ban đầu là châu Á, đã được chuyển hướng sang châu Âu để giúp "lục địa già" xoa dịu khủng hoảng năng lượng. Ảnh: DW

Trong ngắn hạn, "LNG sẽ không thể bù đắp hoàn toàn cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên nào từ Nga", Weidensteiner nói và cho biết nguyên nhân là do "sự thiếu hụt công suất rảnh rỗi ngắn hạn từ các nhà xuất khẩu như Mỹ và Qatar".

Vị chuyên gia của Commerzbank cho biết, mặc dù châu Âu vẫn có khả năng xử lý hoặc tái khí hóa LNG nhập khẩu, nhưng "sẽ rất khó để cung cấp cho người dùng cuối vì cơ sở hạ tầng phân phối không được thiết kế phù hợp để chuyển đổi sang sử dụng hoàn toàn LNG".

Có một dấu hiệu khác cho thấy tính dễ bị tổn thương về mặt năng lượng của châu Âu.

Chính phủ Mỹ gần đây đã tổ chức các cuộc đàm phán với một số công ty năng lượng quốc tế để thảo luận về kế hoạch dự phòng cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn, Reuters đưa tin hôm 15/1.

Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ các nguồn tin trong ngành cho biết, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiếp cận các công ty để hỏi nguồn cung bổ sung có thể đến từ đâu nếu cần.

Với nguồn cung toàn cầu eo hẹp hiện nay, các vị quan chức trên được thông báo rằng có rất ít khí đốt có sẵn để thay thế khối lượng lớn từ Nga, Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết.

Weidensteiner cảnh báo, nếu không có các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoặc LNG khác, châu Âu có thể phải vật lộn để bù đắp cho thiếu hụt do gián đoạn nguồn cung tạm thời từ Nga trong trường hợp xấu nhất.

Quay trở lại với than?

Khởi động thêm các nhà máy điện than là một giải pháp, nhưng nó tất nhiên sẽ không nhận được sự ủng hộ của các nhà hoạt động vì môi trường, Weidensteiner cho biết. "Nhưng đó thực sự là khả năng duy nhất trong ngắn hạn".

Ông Putin khẳng định rằng việc đưa vào vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga đến Đức sẽ giúp xoa dịu tình trạng khủng hoảng năng lượng của châu Âu.

Đường ống chạy dưới biển Baltic, đã được hoàn thành vào cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa nhận được giấy phép hoạt động từ Đức. Trong khi Chính phủ Đức đổ lỗi cho một số rào cản pháp lý vào phút cuối gây ra sự trì hoãn, cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây áp lực lên Berlin để trì hoãn việc cấp phép.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), lẽ ra đã được hoàn thành vào năm 2019, đã bị trì hoãn và chưa rõ số phận. Ảnh: DW

Nord Stream 2 vấp phải sự phản đối từ Mỹ và một số quốc gia châu Âu bao gồm Ba Lan và Ukraine. Họ cho rằng nó sẽ tăng thêm đòn bẩy của Nga đối với châu lục và giảm phí vận chuyển mà Ukraine thu được đối với khí đốt đi qua các đường ống hiện có.

Weidensteiner nhấn mạnh rằng việc xoa dịu cuộc khủng hoảng ở châu Âu không phụ thuộc vào việc đưa Nord Stream 2 vào vận hành.

"Nga có khả năng cung cấp nhiều khí đốt hơn qua các đường ống hiện có nếu họ muốn", Weidensteiner cho biết. Theo ông, có một số vấn đề ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu, nhưng chưa có điều gì là rõ ràng cả.

"Điều đó có thể liên quan đến trò chơi mà ông Putin đang chơi. Nó cũng có thể liên quan đến vấn đề cung cấp tại các mỏ khí đốt của Nga. Nhưng điều đó không rõ ràng", Weidensteiner nhận định.

Minh Đức (Theo DW, Bloomberg)