Thế giới

Litva kêu gọi Latvia, Estonia sớm rút khỏi hiệp ước lưới điện với Nga

Bộ ba quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva vẫn đang dựa vào các nhà điều hành của Nga để kiểm soát tần số và cân bằng lưới điện quốc gia.

Litva (Lithuania) sẽ đưa ra quyết định về việc có sớm rút khỏi hiệp ước quản lý mạng lưới điện chung của Nga, Belarus và 3 nước vùng Baltic hay không trước ngày 6/8, dựa trên đánh giá các nghiên cứu về tác động tiềm tàng, Bộ trưởng Năng lượng Litva Dainius Kreivys cho biết hôm 24/4.

Bộ ba quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva đều là thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU). Các nước này hiện vẫn là một phần của hiệp ước về hệ thống lưới điện BRELL thời Liên Xô với Nga và Belarus, và vẫn đang dựa vào các nhà điều hành của Nga để kiểm soát tần số và sự cân bằng của lưới điện quốc gia.

Ba quốc gia đã ký một thỏa thuận vào năm 2018 về tách khỏi hệ thống BRELL và tham gia vào lưới điện châu Âu vào năm 2025, nhưng Litva muốn đẩy nhanh việc thực hiện thỏa thuận này lên đầu năm 2024. Trong khi đó, Latvia và Estonia đều chưa đồng ý với một mốc thời gian sớm hơn.

Bộ trưởng Kreivys nói với các phóng viên rằng Litva sẽ đưa ra quyết định sau khi xem xét kết quả của 3 nghiên cứu xem liệu lưới điện Baltic có sẵn sàng ngắt kết nối với BRELL sớm hơn hay không.

Các nghiên cứu do các nhà điều hành lưới điện của các nước vùng Baltic và Viện Kỹ thuật điện của Ba Lan thực hiện sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5, nhà điều hành lưới điện quốc gia Litva Litgrid AB cho biết.

(Từ trái sang) Bộ trưởng Năng lượng Litva Dainius Kreivys, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Cơ sở hạ tầng Estonia Riina Sikkut, và Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Latvia Raimonds Čudars tham dự một cuộc hội đàm ở Estonia, ngày 27/1/2023, bàn về các vấn đề an ninh năng lượng trong khu vực và Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Twitter

Ông Kreivys tin rằng kết quả của các nghiên cứu cũng có thể khiến các quốc gia Baltic còn lại đồng ý về việc chấm dứt kết nối với lưới điện của Nga sớm hơn.

“Chúng tôi đang thực hiện những nghiên cứu này theo yêu cầu của Latvia và Estonia. Chúng tôi đã đồng ý rằng, nếu kết quả khả quan, chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình ngắt kết nối... Chúng tôi tin rằng các nghiên cứu sẽ khả quan”, ông Kreivys nói.

Trước đó, hôm 22/4, Litva đã thử nghiệm vận hành hệ thống lưới điện quốc gia độc lập với mạng lưới của Nga, trong đó điện trên lưới chỉ đến từ các nguồn trong nước và nhập khẩu từ Thụy Điển và Ba Lan, và sự cân bằng và tần số của hệ thống lưới điện được kiểm soát hoàn toàn bởi các điều phối viên của Litgrid.

“Sau khi kết thúc thử nghiệm, hệ thống điện của Litva hiện đang vận hành trơn tru trong hệ thống IPS/UPS, cùng với các quốc gia vùng Baltic khác”, Litgrid cho biết trong một thông cáo báo chí. Còn Bộ trưởng Kreivys thì gọi cuộc thử nghiệm là “một bước tiến khổng lồ hướng tới sự độc lập về năng lượng”.

Với hy vọng rằng các nước Baltic sẽ cùng nhau rút khỏi thỏa thuận BRELL và đồng bộ hóa lưới điện với hệ thống của châu Âu, Tổng thống Litva Gitanas Nausea nói với các phóng viên sau thử nghiệm trên: “Tất nhiên, lý tưởng nhất là khi tất cả chúng ta cùng đồng bộ hóa với lục địa châu Âu, tất cả chúng ta – Litva, Latvia và Estonia, không loại trừ bất kỳ nước nào. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục tuân theo chính sách này, chiến lược này và sẽ giải quyết mọi vấn đề trong quá trình thực hiện”.

Trụ sở của nhà điều hành lưới điện quốc gia Litva Litgrid AB ở Vilnius. Ảnh: LRT

Các quan chức Litva cho biết họ đã cố gắng thuyết phục Latvia và Estonia tham gia cuộc thử nghiệm hôm 22/4, nhưng các nhà khai thác hệ thống truyền dẫn của hai quốc gia nói trên đã từ chối tham gia, với lý do họ chưa sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho cuộc thử nghiệm.

Thủ tướng Estonia Kaja Kalas nói với Reuters vào ngày 12/4 rằng đất nước của bà có thể hỗ trợ quá trình ngắt kết nối nhanh hơn, nhưng chỉ khi chắc chắn rằng lưới điện Baltic đã được chuẩn bị đầy đủ để hoạt động độc lập.

Tháng 6 năm ngoái, Reuters đưa tin rằng các nhà khai thác lưới điện châu Âu đã sẵn sàng thực hiện ngay một kế hoạch dài hạn nhằm kết nối các quốc gia vùng Baltic, vốn phụ thuộc vào lưới điện của Nga, với hệ thống của EU trong trường hợp Moscow cắt điện.

Minh Đức (Theo Reuters, Baltic Times, LRT)