Đối thoại

Linh hoạt và chuyển đổi số - Xu hướng cho doanh nghiệp năm 2022

Khách hàng thay đổi hành vi rất nhanh, buộc lòng doanh nghiệp phải có sự thích nghi nhanh hơn. Do đó, sự linh hoạt và CĐS sẽ được doanh nghiệp áp dụng sâu, rộng hơn.

Chìa khoá vượt khó cho doanh nghiệp

Theo Báo cáo Vietnam Agile Report 2021 cho thấy một số thống kê rất đáng chú ý ở 5 nội dung chính gồm: Sự linh hoạt và phát triển khách hàng; Xu hướng của sự linh hoạt; Tác động của yếu tố linh hoạt đối với doanh nghiệp; Linh hoạt và thị trường nhân lực; Linh hoạt và chuyển đổi số.

Từ đó, về câu chuyện vượt khó cho doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, ông Hoàng Tuấn Anh, CEO của Vua Nệm chia sẻ: “Đứng trước bối cảnh 2021 rất thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải đột phá, tất cả những đột phá đó đều phải xoay quanh trọng tâm là khách hàng. Một trong những yếu tố đóng góp vào sự đột phá của doanh nghiệp chính là sự linh hoạt.”

Đối mặt với đại dịch, sự gián đoạn đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng, thay đổi và đưa ra quyết định nhanh chóng hơn bao giờ hết. Theo Vietnam Agile Report, có tới 34% số người được hỏi cho rằng sự linh hoạt giúp rút ngắn từ 20% đến 50% thời gian hoàn thành dự án, 84% cho rằng linh hoạt giúp sớm chuyển giao sản phẩm tới khách hàng.

Dù có hoặc không tuyên bố về việc áp dụng Agile (khung tư duy về sự linh hoạt trong môi trường biến động và không chắc chắn), trong quản lý của hầu hết các doanh nghiệp, tính chất linh hoạt ngày càng trở nên rõ nét. Cũng theo báo cáo, hầu hết người được hỏi đều đồng ý rằng tính chất linh hoạt đang ngày càng rõ nét hơn trong quản lý doanh nghiệp và Agile là một xu hướng trong quản trị hiện đại.

Với vai trò là Giám đốc Sản phẩm số, Khối chuyển đổi số Ngân hàng MSB, ông Hoàng Hữu Huy lại cho rằng: “Lúc đầu chúng ta nghĩ sự linh hoạt xuất phát từ lĩnh vực công nghệ là chính, nhưng thời điểm hiện tại quan niệm về sự linh hoạt cũng khác nhiều, nó giúp giải rất nhiều bài toán ở rất nhiều lĩnh vực.”

Chính vì vậy, sự linh hoạt được đón nhận như một cách làm mới, cách làm giúp các dự án có khả năng sống sót cao hơn, giúp các đơn vị phối hợp dễ dàng hơn, cho phép thử sai và cải tiến nhanh hơn. 

Cụ thể, tại Ngân hàng MSB trong quá trình chuyển đổi số, sự linh hoạt được kỳ vọng sẽ tạo dựng một cách làm việc mới giúp MSB thích ứng nhanh hơn với các thay đổi của thị trường để chuyển đổi số thành công, ông Huy cho biết.

Xu hướng triển vọng cho năm 2022

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, CEO của Vua Nệm nhấn mạnh yếu tố tốc độ để đáp ứng trước những thay đổi trong hành vi của khách hàng. Ông Tuấn Anh cho rằng: “Chuyển đổi doanh nghiệp là hành trình không có hồi kết. Năm 2022, sẽ tiếp tục đưa sự linh hoạt vào theo cả chiều sâu và chiều rộng và tốc độ là yếu tố vô cùng quan trọng. Khách hàng thay đổi hành vi rất nhanh, buộc lòng doanh nghiệp phải có sự thích nghi nhanh hơn".

Ông Hoàng Tuấn Anh, CEO của Vua Nệm

Mặt khác, một trong những điều chuyển biến nhiều nhất trong năm qua là sự phát triển các phương thức kết nối từ xa. Nhìn trong bối cảnh chung, năm tới chuyển đổi số sẽ tiếp tục ở mức cao hơn, và chắc chắn sự linh hoạt tập trung trong nhiệm vụ tối ưu trải nghiệm khách hàng sẽ là ưu tiên trong năm tới.

Với kinh nghiệm đào tạo, tư vấn chuyển đổi thành công cho nhiều doanh nghiệp, ông Phạm Anh Đới, CEO Học viện Agile đưa ra dự báo, thực tại Covid rất khắc nghiệt, nhưng Covid cũng thúc đẩy những chuyển đổi tích cực, trong đó thúc đẩy nhu cầu về sự linh hoạt và chuyển đổi số triệt để. Khi có được văn hóa làm việc linh hoạt thì chúng ta có thể nhìn mọi thứ theo hướng tích cực hơn.

Bên cạnh đó, năm 2022, sự linh hoạt từ quy mô nhóm nhỏ sẽ mở rộng ra ở quy mô lớn hơn trên toàn tổ chức. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng phương pháp luận để chuyển đổi cấu trúc doanh nghiệp ở quy mô lớn.

Có thể thấy, chuyển đổi số đã là từ khóa quan trọng trong mấy năm qua và sẽ tiếp tục là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch năm 2022 của nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Bên cạnh chuyển đổi công nghệ, sự chuyển đổi về văn hóa và quy trình làm việc theo lối linh hoạt hơn sẽ trở thành ưu tiên trong năm tới.

Vietnam Agile Report 2021 là báo cáo về mức độ linh hoạt của doanh nghiệp do Học viện Agile công bố. Để xây dựng báo cáo này, Học viện Agile đã tiến hành khảo sát trên diện rộng thông qua bảng hỏi trực tuyến trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2021 với 530 người thuộc 4 nhóm đối tượng chính là: Lãnh đạo cấp cao, người làm công tác nhân sự, người triển khai/ thực hành Agile (linh hoạt), và quản lý trong lĩnh vực CNTT. Người tham gia khảo sát chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT (69%) với quy mô phổ biến nhất từ 50 đến 200 nhân sự.