Sự kiện

Liệu pháp sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19 có khả thi? 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Các loại thuốc như điều trị HIV, sốt rét… đang được thử nghiệm trong điều trị Covid-19. Ngoài ra, việc sử dụng huyết tương là một liệu pháp mà thế giới đang thử nghiệm.

Nghiên cứu sử dụng huyết tương trong điều trị bệnh 

Tại cuộc họp Hội đồng chuyên môn nghiệm thu hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19 ngày 24/4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông tin hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng ngừa Covid-19. 

Hiện nay, các loại thuốc như điều trị HIV, sốt rét... đang được thử nghiệm trong điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, sử dụng huyết tương cũng là một liệu pháp mà thế giới đang thử nghiệm.

Trước diễn biến dịch còn phức tạp, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng nhằm tăng thêm công cụ cho thầy thuốc điều trị người bệnh, đặc biệt là những trường hợp tiến triển nặng.

Sử dụng huyết tương là một liệu pháp mà thế giới đang thử nghiệm để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 (Ảnh: Hữu Thắng).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho hay: "Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và lãnh đạo bộ Y tế, Việt Nam cần sớm triển khai hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19”.

Việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã hết bệnh để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đã được Châu Âu, Mỹ và Canada thử nghiệm và chưa cho kết quả.  

Vì vậy, trước thông tin Việt Nam nghiên cứu, triển khai sớm hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19, nhiều người bày tỏ hy vọng huyết tương có thể giúp kháng được virus gây bệnh, nhưng việc này liệu có khả thi?

Có thể làm được!

Liên quan đến vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã lắng nghe ý kiến phân tích từ ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam. Ông cho rằng: “Hiện nay, Covid-19 là bệnh chưa có thuốc đặc hiệu, tất cả các nghiên cứu để tìm ra vắc-xin phòng chống ở trên thế giới vẫn đang được thực hiện, chưa có một công trình kết luận nào về việc thuốc này tốt, thuốc kia không hiệu quả”.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho hay, trong tất cả các biện pháp với tinh thần điều trị tích cực cho những bệnh nhân mắc Covid-19, một số nước đã sử dụng huyết tương của những người nhiễm đã khỏi bệnh.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể làm được, sẽ nghiên cứu để tiến hành.

Lý giải về điều này, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho rằng: “Huyết tương của những người nhiễm đã khỏi, có nghĩa là đã sinh ra được kháng thể chống virus trong cơ thể của họ. Quá trình tách chiết, lấy huyết tương truyền cho những người bệnh nặng (chỉ sử dụng cho những người bệnh nặng-PV) để hy vọng có thể điều trị, tiêu diệt được virus.

Ngoài những giải pháp đã thực hiện thì đây cũng được coi là giải pháp cuối cùng, nếu có tác dụng giúp cơ thể kháng được virus, cải thiện bệnh là điều mà ai cũng mong muốn. Đối với Việt Nam chúng ta cũng có thể làm được việc này, sẽ nghiên cứu để tiến hành”.

Được biết, ngày 9/4, Canada đã bắt đầu chương trình thử nghiệm lâm sàng về sử dụng huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã chữa khỏi để truyền cho bệnh nhân mắc bệnh nặng.

Thử nghiệm liên quan đến khoảng 50 trung tâm ở Canada và do nhiều trường đại học thực hiện. Khoảng 1.000 bệnh nhân từ 40 bệnh viện tham gia thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm sẽ được công bố từ 3 - 10 tháng nữa.

Còn Pháp đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 7/4 với huyết tương của 200 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi ở ba vùng Bourgogne-Franche-Comté, Grand-Est và Île-de-France (ba vùng có dịch nên có nhiều bệnh nhân hồi phục). Cuối tháng 4 sẽ có kết quả đánh giá ban đầu.  

Mặc dù, đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng thế nhưng nhiều người kỳ vọng việc sử dụng huyết tương của người mắc đã khỏi bệnh sẽ giúp đỡ, hỗ trợ trong việc điều trị Covid-19.