Thế giới

Liệu Hồ sơ Pandora có khiến giới tinh hoa chùn tay?

Hồ sơ Panama đã có ảnh hưởng nhất định đến một số nhân vật, tuy nhiên ICIJ cho rằng không nên trông đợi những biến cố đến từ Hồ sơ Pandora sẽ ngay lập tức xảy ra.

Hồ sơ Pandora được công bố mới đây bởi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã một lần nữa khiến nhiều người ngạc nhiên về quy mô khối tài sản của nhiều chính khách, tỷ phú và người nổi tiếng, nhiều phần trong số đó được cho rằng có mục đích lẩn trốn thuế. 

Các chính khách có tên và chính phủ các nước liên quan cũng đã nhanh chóng phản ứng với những tài liệu này. Thêm vào đó, một số nhà lập pháp tại Mỹ và châu Âu cũng kêu gọi sửa đổi và tăng cường luật pháp về chống lẩn trốn thuế và các tội phạm tài chính khác thông qua việc sử dụng các công ty "ma" hoặc quỹ tín thác tại các “thiên đường thuế”.

Nhưng liệu Hồ sơ Pandora có làm chùn tay các chính khách và giới siêu giàu - những người đủ quyền lực và tiền bạc để luôn tìm cách lách luật nhằm giấu tài sản của mình khỏi tầm ngắm của cơ quan thuế?

Để đoán định được hệ quả trung và dài hạn của lần công khai dữ liệu này, hãy cùng nhìn lại một khối dữ liệu tương tự về tài sản ngoại biên đã được ICIJ tung ra hơn 5 năm trước - Hồ sơ Panama.

Hồ sơ Panama, với dung lượng khoảng 2,6 terabyte và 11,5 triệu tài liệu, có kích thước gần tương đương Hồ sơ Pandora gần đây và có trong đó tên của hàng loạt chính khách và quan chức khắp các châu lục. 

5 năm kể từ ngày được công khai, Hồ sơ Panama đã tạo ra được một số hệ quả đáng kể. Một số nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Sigmundur Davíð Gunnlaugsson của Iceland hay Thủ tướng Nawaz Sharif của Pakistan đã phải từ chức hoặc bị bãi nhiệm do thông tin từ Hồ sơ Panama. Ông Sharif sau đó đã bị tòa tuyên 10 năm tù do những cáo buộc về tài sản gia đình ông nắm giữ.

Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, một nhân vật đã bị kết tội và tuyên án nhờ Hồ sơ Panama. 

Một số quan chức và cựu quan chức có dính líu cũng đã bị phơi bày và được đưa ra công lý dưới áp lực dư luận. Jérôme Cahuzac, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, bị tuyên 4 năm tù (2 năm án treo) vào năm 2018 do gian lận thuế. Keith Schembri, cựu Chánh Văn phòng Thủ tướng Malta có tên trong Hồ sơ Panama, đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và gian lận thuế.

Sau khi Hồ sơ Panama được công khai, Panama đã từ chỗ chỉ trích hồ sơ đi đến ký kết hiệp ước chia sẻ thông tin tài chính của người nước ngoài có nghĩa vụ thuế với các quốc gia khác.

New Zealand, một nước từng có tiếng là điểm thu hút các quỹ nước ngoài, cũng đã siết chặt luật pháp và khiến số các quỹ này giảm 75%, theo ICIJ. 

Tuy nhiên, ICIJ cho rằng thay đổi trong hệ thống tài chính quốc tế không thể đến một sớm một chiều, và nhiều người cũng không nên trông đợi những biến cố đến từ Hồ sơ Pandora sẽ ngay lập tức xảy ra. Hệ thống công cụ tài chính và lỗ hổng cho phép người giàu né thuế bằng tài sản ở nước ngoài vẫn còn quá lớn và phức tạp.

Trong khi đó, dù một số cải thiện về luật pháp đã được đề xuất, hệ thống pháp lý nhằm chống trốn và né thuế vẫn còn tương đối cồng kềnh nhưng lại lạc hậu với mục tiêu được đề ra, chưa kể các nhóm vận động hành lang muốn duy trì mạng lưới tài sản ngoại biên.

Tùng Phong