Sức khỏe

Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết mới ở Hà Nội và TP.HCM

Thời tiết sang mùa hè, nắng nóng gia tăng cũng là thời điểm dễ phát triển, bùng phát dịch sốt xuất huyết.

TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang vào mùa mưa. Đây là thời tiết thuận lợi cho lăng quăng phát triển, bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Zing đưa tin, ngày 25/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM trong tuần qua có nhiều diễn tiến mới. Riêng dịch sốt xuất huyết, số ca bệnh trong tuần có xu hướng giảm, tuy nhiên nhiều ổ dịch mới cũng được ghi nhận.

Cụ thể, trong tuần thứ 21, TP.HCM có 113 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 9,4% so với trung bình 4 tuần trước (125 ca).

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế ghi nhận 6.893 ca, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2019, không có ca tử vong trong tuần. Số ca bệnh trong tuần ở các quận 3, 6, 9, 11, Bình Thạnh và Gò Vấp tăng nhẹ so với trung bình 4 tuần trước.

TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang vào mùa mưa. Đây là thời tiết thuận lợi cho lăng quăng phát triển, bùng phát dịch sốt xuất huyết. Trong tuần 21, toàn thành phố ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 9 phường, xã thuộc 6/24 quận, huyện, giảm 3 ổ dịch so với tuần trước đó. Ngành y tế cũng tiến hành phun hoá chất tại 19 ổ dịch.

Nhằm tránh nguy cơ bùng phát dịch diện rộng, Sở Y tế chỉ đạo ngành y tế địa phương tích cực điều tra ca bệnh, xác định ổ dịch hàng ngày. Đặc biệt, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết của các cơ sở giáo dục, ký túc xá trên địa bàn.

Số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 là do TP.HCM trải qua đợt nắng nóng kéo dài. Người dân nhập cư vào TP.HCM từ mùa dịch Covid-19 đến nay chưa nhiều. Tuy nhiên, thành phố đang vào mùa mưa, nếu chủ quan, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát diện rộng.

Sở Y tế khuyến cáo bên cạnh việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, người dân cần lưu ý phòng ngừa sốt xuất huyết, vệ sinh thông thoáng nơi ở, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, không chủ quan, lơ là ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh đang giảm.

Cũng trong ngày 25/5, báo Tin tức – TTXVN đưa tin, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết. Lũy tích từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có gần 140 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong, số ca mắc rải trên địa bàn 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường.

Mặc dù số ca mắc giảm hơn 44 % so với cùng kỳ năm 2019, nhưng trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi vằn là véc tơ truyền bệnh phát triển.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: “Bên cạnh việc chú ý phòng chống dịch Covid-19, người dân không được chủ quan với các dịch bệnh khác. Hiện Hà Nội đã ghi nhận một số ổ dịch có nguy cơ gia tăng nhanh như: Xã Khánh Hà (Thường Tín), xã Thanh Thùy (Thanh Oai)…”.

Theo đó, dự báo, năm nay nhiệt độ sẽ tăng hơn trung bình mọi năm từ 1-1,3 độ. Kèm theo tăng nhiệt độ chắc chắn sẽ là tăng lượng mưa lớn, thời tiết sẽ rất thuận lợi cho muỗi phát triển, dịch sốt xuất huyết rất dễ bùng phát.

Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, mặc dù năm 2020 không phải nằm trong chu kỳ dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên chúng ta đã cách chu kỳ dịch trước (năm 2017) là 3 năm, nên nguy cơ sốt xuất huyết tại địa bàn Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận có khả năng gia tăng. Vì vậy, tất cả mọi người dân, tất cả các địa phương phải quan tâm phòng chống ngay từ đầu mùa dịch. Nếu có ổ dịch đầu tiên, có người bệnh đầu tiên, ngay lập tức phải khống chế kịp thời để giúp cho việc hạn chế và lan rộng bùng phát mạnh.

Theo báo An ninh Thủ đô, trước thực trạng trên, để chủ động phòng chống sốt xuất huyết trong mùa hè năm nay, tới đây Hà Nội sẽ tổ chức đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh với trọng tâm là triển khai đợt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao.

Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, việc phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết có 2 phương án. Thứ nhất là phun tại các khu vực có nguy cơ cao, cụ thể có mật độ muỗi, chỉ số bọ gậy tăng cao. Thứ hai là tại khu vực có bệnh nhân, hay gọi là ổ dịch.

Quốc Tiệp (t/h)