Góc nhìn luật gia

Liên tiếp các vụ bắn nhiều người: Cần kiểm soát, quản lý súng chặt hơn nữa!

Vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ nổ súng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người tử vong và bị thương. Dư luận cho rằng, cần quản lý súng chặt hơn nữa để phòng ngừa những vụ án tương tự xảy ra.

Mới đây, một số vụ nổ súng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, khiến nhiều người tử vong và bị thương. Đặc biệt như vụ bắn chết 4 người tại sới bạc ở Củ Chi, TP.HCM; xả súng khiến 6 người trong một gia đình ở Lạng Sơn bị thương vong; vụ cướp dê không thành, dùng súng bắn 3 người trọng thương ở Bình Thuận…

Những vụ án trên khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng, cần chú trọng quản lý súng chặt chẽ hơn nữa để phòng ngừa những vụ án tương tự xảy ra.

Lê Quốc Tuấn (ảnh trái) và nạn nhân bị Tuấn dùng súng bắn gục.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng bộ Công an cho biết, việc quản lý súng quân dụng hiện nay đã có những quy định rất chặt chẽ. Trong các vụ án xảy ra, đa phần nghi phạm sử dụng súng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Thiếu tướng Tô Ân Xô cũng thông tin, đối với vụ án bắn chết 4 người và 1 người bị thương tại sới bạc ở huyện Củ Chi, bước đầu cơ quan chức năng cũng xác định đó là súng trôi nổi, do nghi phạm Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn “khỉ”) lấy của đối tượng khác. Các đơn vị công an trên địa bàn đã kiểm tra số súng đang quản lý và vẫn đảm bảo đúng quy định.

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, hiện nay, lực lượng công an vẫn đang tiếp tục tiến hành thu hồi các loại súng, vũ khí, vật liệu nổ… do người dân giao nộp. Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị siết chặt việc quản lý súng, đảm bảo đúng quy định.

Đống tình với quan điểm trên, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp trong lực lượng công an cũng cho rằng: “Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay về quản lý vũ khí, đặc biệt là vũ khí quân dụng rất chặt chẽ, đầy đủ và các trường hợp vi phạm khi bị phát hiện đều xử lý rất nghiêm.

Tuy nhiên, việc thực hiện, giám sát, đôn đốc thì cũng có nơi này nơi kia còn có sơ hở, thiếu sót, dẫn đến một số loại vũ khí, đặc biệt là vũ khí quân dụng vẫn còn trôi nổi, chưa được phát hiện và thu hồi hết”.

Camera an ninh ghi lại hình ảnh Tuấn "khỉ" cầm súng AK, điều khiển xe SH bỏ trốn.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nhìn nhận: “Thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền vận động quần chúng giao nộp vũ khí, cơ quan chức năng đã thu được rất nhiều vũ khí nhưng vẫn chưa hết, chưa triệt để. Qua một số vụ án mà nghi phạm sử dụng súng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người thương vong như vừa qua, để thấy rằng, trong thời gian tới, cần phải lưu ý, tích cực hơn nữa việc thu hồi, quản lý vũ khí”.

Vị cán bộ nguyên là điều tra viên cao cấp chia sẻ thêm: “Hầu hết các vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua đều cho thấy các đối tượng sử dụng vũ khí tự chế hoặc vũ khí trôi nổi từ thời kỳ trước đây, chứ chưa có vụ nào mà đối tượng sử dụng vũ khí do các đơn vị lực lượng vũ trang quản lý lỏng lẻo, bị mất mát, bị trộm cắp hoặc bị chiếm đoạt.

Từ trước đến nay thì việc vận động người dân giao nộp vũ khí vẫn được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thời gian tới, các cơ quan công an, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể… cũng cần tích cực vận động hơn nữa để thu hồi vũ khí nhiều hơn. Tránh những trường hợp vũ khí rơi vào tay các đối tượng manh động hoặc bị tác động bởi chất kích thích như ma túy, rượu bia thì sẽ gây hậu quả khó lường”.