Tiêu điểm thế giới

Liên minh "lạc điệu" của Mỹ dễ thất thế trước sự "đồng lòng" của Nga-Trung ở Venezuela?

Mỹ đang tích cực tìm kiếm thêm thành viên cho liên minh 54 nước chống lại chính quyền Venezuela. Tuy nhiên, một số đồng minh chủ chốt đã quay lưng, trong khi bản thân các quốc gia thành viên lại tỏ ra hoài nghi.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có chuyến công du 4 nước để củng cố cho liên minh chống lại Venezuela.

Các quan chức Mỹ trong nhiều tháng qua đã dự đoán Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ sớm từ bỏ quyền lực trước các lệnh trừng phạt kinh tế và lời kêu gọi ông từ chức từ liên minh của hơn 50 quốc gia. Tuy nhiên, mọi thứ đã không hoạt động như những gì người Mỹ tưởng tượng. Điều này xuất phát từ việc liên minh những quốc gia ủng hộ phe đối lập ở Venezuela chưa có sự thống nhất hiệu quả và vẫn cảm thấy hoài nghi, theo AP.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, Tổng thống Maduro vẫn giữ vững quyền lực với sự giúp đỡ từ các quốc gia có vị thế nhất định như Nga, Trung Quốc và Cuba. Liên minh quốc tế ủng hộ phe đối lập Venezuela bao gồm 54 quốc gia, tuy nhiên một số đồng minh lâu năm của Mỹ đã từ chối đi theo lời kêu gọi của chính quyền Trump khi công nhận người đứng đầu Quốc hội, Juan Guaido, làm tổng thống lâm thời.

“Chúng tôi đang tiếp tục thúc đẩy”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 10/4. “Chúng tôi đang cố gắng mang lại nhiều hơn cho liên minh 54 nước và chúng tôi đang cố gắng để 54 quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt phù hợp với những biện pháp mà Mỹ đưa ra trước đó”.

Ngoại trưởng Pompeo dự kiến sẽ mang thông điệp này trên đường công du đến Chile, Paraguay, Peru và Colombia. Cả bốn quốc gia này đã tham gia nhóm 14 thành viên Tập đoàn Lima (Lima Group), tập hợp những nước ủng hộ Guaido. Ngoại trưởng Mỹ sẽ yêu cầu họ thực hiện các bước bổ sung để thuyết phục Tổng thống Maduro từ chức và cho phép một cuộc bầu cử mới ở quốc gia Mỹ Latinh.

“Cho đến nay, các quốc gia thuộc Tập đoàn Lima chưa làm được gì ngoài việc đưa hàng trăm ngàn người tị nạn rời bỏ cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela và đưa ra những tuyên bố chỉ trích chính quyền Maduro. Ngoài ra, họ không làm được điều gì khác”, Benjamin Gedan, chuyên gia về Mỹ Latinh tại Trung tâm Wilson cho biết.

“Tập đoàn Lima đã đe dọa rất nhiều các biện pháp trừng phạt phối hợp nhưng không thực hiện chúng”, chuyên gia Gedan nói. “Họ đã kiệt quệ với con đường ngoại giao của mình”.

Trước đó, Mỹ và các quốc gia khác trong liên minh đã gây tranh cãi bằng việc không công nhận Maduro là Tổng thống của Venezuela, bất chấp việc ông vốn được coi là nhà lãnh đạo hợp pháp và được dân chúng bầu lên thông qua bầu cử.

Nga, Cuba và Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị, kinh tế và chính trị sâu sắc đã lên tiếng ủng hộ quốc gia sản xuất dầu mỏ thịnh vượng này, trong khi nhiều quốc gia đã chọn đứng bên lề tranh chấp.

Hôm 10/4, Phó Tổng thống Mike Pence đã thất bại trong nỗ lực giành được sự công nhận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với nhà lãnh đạo đối lập Guaido. Ông Pence khẳng định quyết tâm loại bỏ Tổng thống Maduro khỏi quyền lực, với ưu tiên thông qua áp lực ngoại giao và kinh tế, nhưng lặp lại mối đe dọa về hành động quân sự khi nói rằng: “Tất cả các lựa chọn đều nằm trên bàn”.

Về phần mình, Đại sứ Venezuela Samuel Moncada cho biết đất nước của ông đang bị chính quyền Trump đe dọa chiến tranh, và “mọi thứ đang được chuẩn bị cho một cuộc xâm lược”. Trước Hội đồng, ông nói: “Chúng ta phải ngăn chặn cuộc chiến này của Donald Trump”.

Liên minh của Mỹ “lạc điệu”

Đại sứ Venezuela Samuel Moncada cho biết đất nước của ông đang bị chính quyền Trump đe dọa chiến tranh.

Gác những cân nhắc về chiến tranh sang một bên, bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các mục tiêu của ông Pompeo đang ưu tiên vẫn là ngoại giao. Trong một tuyên bố, cơ quan này cho biết, Ngoại trưởng Mỹ sẽ sử dụng chuyến đi đến bốn quốc gia nói trên để củng cố các cam kết chung và “ủng hộ dân chủ ở Venezuela”.

Ông Pompeo sẽ là Ngoại trưởng đầu tiên đến thăm Paraguay kể từ năm 1965 và sẽ kết thúc chuyến đi của mình tại Cucuta, Colombia, một thành phố ở biên giới Venezuela.

Theo AP, các quan chức Mỹ đã thất vọng với tốc độ chậm chạp trong việc đẩy Tổng thống Maduro ra khỏi chiếc ghế quyền lực và việc có thêm những tân binh cho liên minh chống lại nhà lãnh đạo Venezuela. Tuy nhiên, điều này không phải xuất phát từ lý do Mỹ không cố gắng.

Trên thực tế, Phó Tổng thống Pence, Ngoại trưởng Pompeo, đặc phái viên Mỹ ở Venezuela Elliott Abrams, và các quan chức khác đã vận động mạnh mẽ để mở rộng liên minh chống đối ở quốc gia Mỹ Latinh.

Các quan chức đã nhắm mục tiêu các quốc gia cụ thể, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ như Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đã không thành công.

Đáng kể hơn, ngay cả người hàng xóm Mexico cũng không sẵn lòng tham gia mà lại chọn đứng về phía Tổng thống Maduro và những người ủng hộ ông ở Cuba, Nicaragua và Bolivia.

“Ngay cả trong trường hợp Mỹ tìm kiếm thành viên mới, họ cũng phải trấn an những người đã tham gia liên minh để những người này cảm thấy không hoang mang”, Michael Shifter, chủ tịch Đối thoại Liên Mỹ nêu quan điểm.

″Pompeo cần tập hợp liên minh và trả lời các câu hỏi về việc liên minh này có thực sự hiệu quả hay không”, ông Shifter nói. “Ông ấy cần phải gửi một thông điệp rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ban đầu, nhưng các thành viên cần phải gắn bó với liên minh”.

Michael McCarthy, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh tại đại học American, đã mô tả những người ủng hộ Guaido thiếu kiên nhẫn đang “gõ ngón tay một cách sốt ruột” và tự hỏi, “khi nào thì mọi chuyện mới được thực hiện theo kế hoạch”?

Đây là một vấn đề liên quan đến trấn an kỳ vọng, giáo sư McCarthy nói. “Một cuộc đấu tranh như Mỹ theo đuổi sẽ đòi hỏi duy trì áp lực, sự lạc quan bền vững, và nếu không có lợi ích cụ thể trên đường đi, thành trì của phe đối lập sẽ phát triển một cách lục đục, bằng mặt nhưng khó vừa lòng”.

Nếu như điều này xảy ra, liên minh của Mỹ sẽ tỏ ra yếu thế hơn trong việc thực hiện mục tiêu ở Venezuela trước các đối thủ tỏ ra đoàn kết ở phía còn lại như Nga, Trung Quốc, Cuba…