Kinh tế vĩ mô

Liên kết phát triển du lịch: Không thể mạnh ai nấy làm

Khi thị trường du lịch nội địa cạnh tranh ngày càng gay gắt với du lịch quốc tế, việc liên kết du lịch giữa các địa phương là xu hướng phát triển.

Thiếu các sản phẩm liên tuyến, liên vùng có giá tốt

Đang bước vào cao điểm mùa du lịch hè, nhưng giá tour du lịch trong nước đa phần lại cao hơn tour du lịch nước ngoài.

Do vậy, số lượng khách chọn tour xuất ngoại tăng đáng kể. Một trong nguyên nhân của tình trạng này là thiếu liên kết trong phát triển du lịch, dẫn đến giá dịch vụ thiếu ổn định và khả năng cạnh tranh.

Đối với vùng Đông Nam bộ, theo các doanh nghiệp lữ hành, việc liên kết và xúc tiến phát triển du lịch tại đây chưa được chú trọng, vẫn còn thiếu các sản phẩm liên tuyến, liên vùng có giá tốt dành cho du khách.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietluxtour, cho biết, thời gian qua các sản phẩm chủ yếu xoay quanh 2 "trung tâm" chính là Tp.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Gần đây, tỉnh Tây Ninh nổi lên như là điểm đến ưa thích của không chỉ du khách thành phố mà còn hút được du khách từ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tuy nhiên, những tour liên tuyến dài ngày không nhiều vì khách chủ yếu quay về Tp.HCM và nghỉ đêm ở đây do dịch vụ giải trí về đêm phong phú hơn.

"Vì vậy, trong liên kết vùng, trước tiên là khuyến khích du lịch nội vùng. Người dân ở các tỉnh thành trong vùng đi du lịch và trải nghiệm các dịch vụ mới của nội vùng, sau đó mở rộng ra khách cận vùng và khách quốc tế", ông An đặt vấn đề.

Theo ông An, qua việc phối hợp với các vùng lân cận như Tây Nam bộ, du lịch vùng Đông Nam bộ có thể tạo ra các gói tour kết hợp và khám phá vùng đa dạng và phong phú hơn, giúp mở rộng thị trường du lịch.

Khi có các cao tốc, du khách sẽ chọn đi các điểm lân cận, đó là tạo ra những sản phẩm không hẳn mới nhưng cập nhật dựa trên những cung đường mới và có dịch vụ mới thu hút du khách ở ngoại vùng cũng như khách quốc tế.

Xu hướng liên kết du lịch nội địa giúp các địa phương cùng phát triển sản phẩm du lịch, nguồn khách du lịch.

Trong thực tế, một số điểm đến nổi tiếng thường nhận được sự quan tâm lớn, gây ra sự không cân đối trong việc phân bổ lợi ích từ du lịch.

Đại diện Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, Thành phố này sẽ tiếp tục liên kết với các địa phương để tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn.

Đặc biệt, việc liên kết nhằm khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, du lịch trong vùng phát triển manh mún theo kiểu mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm, chưa có sự gắn kết với hai trung tâm du lịch lớn là Tp.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tháng 6/2023, tỉnh Tây Ninh và Bình Phước đã có những bước đầu cụ thể hoá các nội dung đã ký kết hợp tác phát triển về văn hoá và du lịch, mở ra tiềm năng liên kết du lịch giữa 2 địa phương, trước đó là chương trình hợp tác giữa Tây Ninh và Đăk Nông.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tây Ninh chia sẻ: “Các hiệp hội du lịch trong 6 tỉnh Đông Nam bộ cũng đã thành lập và kết nối với nhau để phát triển khu du lịch vùng. Tỉnh Bình Phước còn rất tiềm năng, thế mạnh, nhất là khai thác những cái khác biệt gắn với đời sống của người dân tộc, hay giá trị của những di tích lịch sử”.

Bỏ ngỏ hiệu quả thực hiện liên kết

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, việc gắn kết, cùng phát triển du lịch giữa các địa phương đã được triển khai và có nhiều sự thuận lợi hơn.

Theo TS. Trần Du Lịch, nếu không liên kết phát triển du lịch, để địa phương nào cũng tự phát sẽ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước ASEAN.

ThS. Nguyễn Thị Duy Phương, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng cho rằng, để phát triển du lịch vùng, các địa phương nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới nhằm thu hút khách quốc tế đến.

“Chúng ta cần phối hợp tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh cho ngành du lịch. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của các địa phương với những tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng để hình thành các chương trình du lịch liên vùng phong phú”, bà Phương chỉ ra.

Còn TS. Bùi Thị Ngọc Phương, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng nhận xét, từng địa phương cần có kế hoạch, phương án cụ thể, liên kết với doanh nghiệp du lịch, thông tin vùng nào phù hợp khai thác du lịch, hướng tiếp nhận du khách và có cơ chế xử lý bất cập, sai phạm vào dịp cao điểm nhằm hạn chế tình trạng “chặt chém” du khách.

“Qua đó có hướng phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Song song đó, Nhà nước cần duy trì chính sách ưu đãi về lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng… nhằm khuyến khích người Việt đi du lịch trong nước vì chất lượng dịch vụ và giá cả sẽ góp phần trực tiếp vào quyết định du lịch của khách”, chuyên gia này nói.

Góc nhìn khác, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang cho rằng, cần có cơ chế hậu kiểm việc thực hiện các cam kết liên kết phát triển du lịch. Bởi lẽ, như hiện nay, chính sách kết nối chỉ mang tính chất tạm thời, dễ đứt gãy do tình trạng mạnh ai nấy làm, hoàn toàn không có lợi cho ngành du lịch.

“Ở nhiều nơi, các chính sách, chủ trương kết nối, kích cầu, ưu đãi giá tour du lịch chỉ mang tính mùa vụ ở giai đoạn thấp điểm, còn mùa cao điểm được điều chỉnh liên tục. Đã vậy, nhiều ưu đãi không đủ sức thu hút khách, dẫn đến việc khách trong nước vẫn chọn các tour nước ngoài”, ông Thành băn khoăn.

Vì vậy, nhiều ký kết hợp tác được triển khai, nhưng công tác hậu kiểm buông lỏng nên hiệu quả chưa như mong muốn. Do vậy, ông Thành đề nghị sự hỗ trợ, hợp tác tích cực từ các bộ ngành, địa phương để doanh nghiệp du lịch phát triển ổn định, thực chất.