Thế giới

Liên hợp quốc lo ngại nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng

Xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước đang phát triển.

Đây là cảnh báo được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong cuộc họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại Thủ đô Stockholm.

Phát biểu trước báo giới ngày 1/6, Tổng Thư ký Guterres cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính. Cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến người dân, quốc gia và những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.

Ông ví đây như "một cơn bão" đe dọa phá hủy nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển. Đồng thời nhấn mạnh cuộc khủng hoảng lương thực không thể được giải quyết một cách hiệu quả khi các loại phân bón và lương thực của Nga cũng như của Ukraine không thể tiếp cận thị trường thế giới. Do đó, ông kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Hiện nay, khủng hoảng lương thực đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn của thế giới với minh chứng rõ nét cho sự trầm trọng là vụ việc thương tâm ở Nigeria.

Cuối tuần trước tại miền Nam Nigeria, người dân đã giẫm đạp lên nhau để giành giật đồ ăn miễn phí. Theo thông tin từ Cảnh sát Nigeria, ít nhất 31 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi cố gắng nhận thức ăn miễn phí trong chương trình từ thiện do một nhà thờ tổ chức. Các hãng tin lớn quốc tế cho biết, hầu hết nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và số người thiệt mạng có thể sẽ tăng lên. Vụ việc là minh chứng cụ thể nhất cho tình trạng khủng hoảng lương thực đã ở mức nghiêm trọng.

Hàng triệu người dân châu Phi thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu thực phẩm. Ảnh: AP.

Chương trình lương thực thế giới (WFP) đầu tháng 5/2022 công bố một báo cáo cho biết, khủng hoảng lương thực đã lên đến đỉnh điểm với 800 triệu người thiếu lương thực, gồm 193 triệu người không được cung cấp đủ lương thực ở mức tối thiểu.

Nổi cộm nhất là tại khu vực Tây Phi với khoảng 27 triệu người thiếu đói trầm trọng, Đông Phi dự báo chứng kiến thêm 20 triệu người chịu nạn đói trong năm nay. Báo cáo của WFP cho biết, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Mali, Kenya và Somalia là những quốc gia chứng kiến tình trạng khủng hoảng lương thực rất trầm trọng.

Giới chuyên gia nhận định, bên cạnh tác động thời tiết do biến đổi khí hậu, nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng khan hiếm lương thực là do bất ổn an ninh, leo thang xung đột ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới, đặc biệt là những nơi đóng vai trò quan trọng về nguồn cung cấp lương thực.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

Tại Ukraine, nơi được coi là "vựa" lúa mỳ của châu Âu, xung đột đã khiến lúa mỳ chưa thu hoạch được, trong khi các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách. Ước tính sản lượng ngũ cốc của Ukraine vụ mùa này có thể giảm hơn 50%.

Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Việc hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu. Nông dân ở Brazil, Mỹ và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón và điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa sau này.

Trong tuyên bố cùng ngày 1/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thừa nhận nước này đang gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc do các lệnh trừng phạt đối với các tàu chở hàng của nước này.

Sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2 vừa qua, các nước phương Tây đã áp dụng nhiều vòng trừng phạt nhằm cô lập các lĩnh vực tài chính và kinh tế của Nga. Mới đây nhất, trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra đầu tuần này, Liên minh châu Âu đã nhất trí gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó hạn chế phần lớn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, ngoại trừ đường ống dẫn tới Hungary.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, để giải quyết hữu hiệu cuộc khủng hoảng lương thực, các hành động hỗ trợ nhân đạo là điều rất cấp thiết. Song hành với đó, vấn đề căn bản nhất cần phải sớm giải quyết ngay là giảm nhiệt căng thẳng xung đột để củng cố lại trật tự an ninh lương thực, khôi phục các chuỗi cung ứng vốn đã bị gián đoạn trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Biên Phòng)