“Lì xì”- Vết son của ngày xuân

Ngày đầu năm mới, nhận lời chúc kèm món quà đặc biệt từ một “người bạn online” lòng tôi rưng rưng. Anh nhắn: “Phiền em gửi chút quà mừng tuổi của anh đến bạn em, mong bạn ấy mau bình phục”- Tôi cảm ơn anh, sống mũi cay cay…

Anh đọc được status của tôi viết hôm 29 tháng Chạp, anh đã “lì xì” cho tôi một tấm lòng trong nhân gian đầy bon chen, nhiều sự vô cảm.

“Ngày cuối năm! Về nhà được mấy tiếng đồng hồ, câu chuyện với mẹ cũng dang dở. Kể với mẹ về công việc và những niềm vui trong năm qua…

Về nhà, tranh thủ ra thăm cậu bạn phổ thông đang nằm điều trị tại bệnh viện Sơn Tây. Nhớ thời đi học, bạn ấy rất vui tính, lúc nào cũng cười. Nay thấy bạn khóc… Bạn nhận ra tôi, bạn cố gượng mấp máy môi nhắc tên tôi….

Bạn làm thợ xây không may bị tai nạn. Bạn bị giập đốt sống cổ, liệt tủy, liệt tứ chi, thở bình ô xy.

Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền gia đình bạn phải chi phí lên tới hơn 300 triệu đồng. Bạn không có BHYT nên gánh nặng viện phí càng lớn, gia đình phải vay mượn người thân, chòm xóm  mong còn nước còn tát.

Tết thật gần với mọi nhà, thăm bạn và chỉ mong có phép màu để bạn có thể đi lại thật nhanh, ngỡ như xuân đang về đấy thôi”…

Sau status viết vội, hoàn cảnh khó khăn của bạn tôi đã chạm đến nhiều trái tim, bạn bè facebook gửi lời hỏi thăm và trực tiếp hỗ trợ bạn tôi, thật trân quý.

Nhưng hôm nay, nhận “lì xì” của “người dưng” khiến tôi nhớ nhiều đến tết xưa. Một cảm xúc khác lạ!

Có lẽ, từ khi chiếc lì xì xuất hiện, không ai quy định phải mừng bao nhiêu tiền vì quan niệm dân gian tiền mừng tuổi là tiền lộc, tượng trưng, là món quà nhỏ. Những chiếc phong bao lì xì đỏ, đường nét tươi thắm rực rỡ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, người già sống lâu trăm tuổi, trẻ con hay ăn chóng lớn. Nên xưa mới có câu “trẻ được bát canh, già được manh áo mới”.

Thế nhưng, tục mừng tuổi đầu năm giờ đã khác, đang bị biến tướng, không còn giữ được nét đẹp như xưa. Một đứa trẻ khi được mừng tuổi, sau tiếng cảm ơn không còn là niềm vui sướng đi khoe vì may mắn nhận lì xì, nhận được yêu thương từ người lớn mà vội vàng kiểm tra xem bên trong có bao nhiêu tiền, thậm chí có cả sổ “tổng kết doanh thu”.

Lì xì với con trẻ ngày nay là “tết này được bao nhiêu tiền” còn với người lớn đôi khi là sự toan tính, là luồn cúi, là thăng quan tiến chức. Buồn thay!

Người xưa có câu “của cho không bằng cách cho”, phải chăng người lớn đang làm hư con trẻ? Thay vì dạy trẻ lưu giữ những thuần phong mỹ tục với ý nghĩa khát vọng cầu may, cầu cho sinh sôi phát triển, cầu cho ngoan ngoãn, tốt đẹp thì người lớn đang khiến con trẻ “định giá” nét văn hóa bằng…mệnh giá đồng tiền?! Hãy để chiếc phong bao lì xì màu đỏ chỉ đơn giản là món quà may mắn đầu năm giúp trẻ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của người lớn dành cho mình.

Ngày đầu năm, thay vì chiếc phong bao lì xì màu đỏ, tôi đã nhận mừng tuổi bằng một cách rất riêng. Với tôi, đó là vết son của ngày xuân, là tấm lòng rộng mở, mong bạn tôi sớm qua cơn bạo bệnh trở về nhà, đoàn viên bên gia đình.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Hương Lan