Thế giới

Lệnh hạn chế đi lại có ngăn chặn được Omicron?

Sự xuất hiện Omicron dẫn đến những lệnh hạn chế mới, tất cả 27 quốc gia thành viên EU đã đình chỉ việc đi lại bằng đường hàng không từ một số quốc gia châu Phi.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) tuyên bố hôm thứ Sáu 26/11 đã phát hiện một chủng Covid-19 mới đáng lo ngại, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và đặt tên là Omicron (B.1.1.529), nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã phản ứng nhanh chóng bằng việc áp dụng các hạn chế đi lại nhắm vào các nước châu Phi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ với phóng viên: "Nó (biến thể Omicron) dường như lan nhanh", "Tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ thận trọng" về việc áp dụng những hạn chế đi lại. 

Mặc dù biến thể chưa được chính thức ghi nhận ở Mỹ nhưng đã xác nhận xuất hiện ở Anh và một số quốc gia châu Âu vào thứ Bảy ngày 27/11.

Các quan chức y tế cho rằng lệnh hạn chế đi lại có tác dụng giúp quốc gia có thêm thời gian điều tra và ngăn chặn biến chủng Covid-19 mới. Nhưng cũng nhiều chuyên gia y tế khác đã phê bình động thái này. Họ cho rằng các biện pháp hạn chế đi lại không chặn đứng được sự lây lan của vi-rút mà còn gây sức ép cho các quốc gia nơi đã báo cáo xuất hiện biến thể mới.

 Lọ vắc xin Pfizer-BioNTech Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), thừa nhận các lệnh hạn chế sẽ không ngăn cản được vi-rút xâm nhập vào nước này. Ông nói với hãng tin NBC news: "Chúng tôi vẫn chưa phát hiện biến thể này. Tuy nhiên, khi một loại virus cho thấy mức độ lây nhiễm như vậy, nó gần như chắc chắn sẽ lây lan khắp nơi". Ông cho biết thêm rằng các hạn chế đi lại sẽ hữu ích trong việc giúp Mỹ có thêm thời gian ứng phó với tình hình.

Stacia Wyman, nhà khoa học cấp cao tại Viện UC Berkeley (Mỹ), cho biết những lệnh hạn chế đi lại ngay cả khi được ban hành sớm cũng chỉ mang hiệu quả nhất định. Bà cho rằng vào thời điểm mà một biến thể mới được phát hiện thường thì nó đã lan rộng. Bà nói: “Tiêm phòng, đeo khẩu trang và xét nghiệm là ba biện pháp thực sự cần thiết khi đối mặt với biến thể này", "Đóng cửa biên giới hay chỉ trích các quốc gia không phải là cách để giải quyết vấn đề".

Tiến sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trường đại học UCSF (Mỹ), nhận định không thể ngăn chặn sự lây lan của một vi-rút đường hô hấp bằng cách đóng cửa các đường biên giới.

Một số chuyên gia bày tỏ quan ngại về lệnh hạn chế đi lại có thể ngăn các quốc gia báo cáo sự xuất hiện biến thể mới. Tiến sĩ Seema Yasmin tại Đại học Stanford (Mỹ) chia sẻ trên Twitter: "Việc hạn chế đi lại đối với người từ quốc gia ghi nhận biến thể mới sẽ tác động đến việc các quốc gia khác báo cáo sự xuất hiện của biến thể", "Họ không muốn chịu phản ứng dữ dội và hậu quả kinh tế".

Tiến sĩ Abraar Karan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Đại học Stanford (Mỹ), lưu ý về thực tế rằng các quy định hạn chế đi lại Mỹ không áp dụng cho các công dân nước này trở lại từ vùng dịch. Abraar Karan viết trên Twitter: "Đóng cửa biên giới và tăng cường tiêm phòng liều thứ ba không phải là cách để kết thúc đại dịch".

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) bày tỏ phê bình các lệnh hạn chế đi lại này. Đại diện Trung tâm cho biết trong một tuyên bố: "Trong suốt thời gian đại dịch này, việc áp đặt lệnh cấm đi lại đối với người từ quốc gia ghi nhận biến thể mới không mang lại nhiều ý nghĩa”,  thay vào đó việc thực hiện các biện pháp xã hội bảo vệ sức khỏe cộng đồng "nên được ưu tiên".

Tiến sĩ Seema Yasmin, giáo sư Đại học Stanford (Mỹ) đã đặt câu hỏi về việc lệnh hạn chế đi lại sẽ ra sao khi biến thể này xuất hiện ở các quốc gia ngoài châu Phi. "Biến thể mới được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi hiện đã lây nhiễm cho người tại Anh, phải chăng sẽ có lệnh cấm đi lại đối với du khách Anh?"

 Hành khách chờ đợi tại sân bay Frankfurt (Đức). Ảnh: Getty Images.

Biến thể Omicron hiện đang lan ra ngoài lục địa châu Phi. Tại Hồng Kông, Israel, Bỉ, Đức, Italy và Anh đã xác nhận những ca lây nhiễm đầu tiên và nhiều quốc gia khác đang điều tra các trường hợp bệnh nghi ngờ. Sự xuất hiện của Omicron dẫn đến liên tiếp những lệnh hạn chế mới, tất cả 27 quốc gia thành viên EU đã đình chỉ việc đi lại bằng đường hàng không từ một số quốc gia miền nam châu Phi. Một số quốc gia ngoài khối, bao gồm Mỹ và Anh, cũng áp đặt biện pháp hạn chế tương tự, trong khi Israel đã mạnh tay cấm tất cả công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này nhằm ứng phó với nguy cơ lây lan biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2.

Hà Thanh (Sfchronicle, RT.com)