Cuộc sống số

Lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei cắt giảm sản lượng điện thoại

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đang tiến hành các biện pháp nhằm cắt giảm sản lượng sản xuất sau lệnh cấm từ Mỹ.

Theo Vietnamnet, Foxconn đang nhận được ít đơn đặt hàng hơn đến từ đối tác Huawei. Nguồn tin từ Foxconn nói rằng công ty này đã cắt giảm nhiều dây chuyền sản xuất smartphone sau khi phía đối tác Huawei hạn chế các đơn đặt hàng.

Như vậy, có thể thấy làn sóng tác động thứ 2 đã xảy đến sau đợt sóng đầu tiên từ Mỹ đánh trực tiếp vào Huawei, khiến các công ty như Google, Intel, Qualcomm hay Microsoft phải tuyên bố ngừng hợp tác làm ăn với hãng này.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen và cấm tất cả các hoạt động thương mại nếu không được sự cho phép.

Lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei cắt giảm sản lượng điện thoại

Với việc Huawei phải giảm sản lượng sản xuất, các công ty thứ cấp vốn chuyên lắp ráp, gia công và cung ứng cho tập đoàn này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điều này rất có thể sẽ tạo ra một làn sóng lan truyền tác động đến tình hình kinh tế thế giới.

Thực tế đó sẽ xảy ra ngày một rõ rệt hơn khi xuất hiện thông tin cho thấy Trung Quốc đang tìm cách trả đũa nhằm vào các công ty Mỹ. Đây chính là hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Vnexpress, chuyên gia Anjani Trivedi cho hay, một khi ông Trump nghiêm túc về việc trấn áp các công ty công nghệ Trung Quốc, những cái tên như Huawei, Hikvision... không tránh khỏi tổn thương. Trong số đó, Mỹ có thể dùng Huawei để khiến Trung Quốc phải nhượng bộ.

Bên cạnh động thái ngừng hợp tác với Huawei từ Google, Nhà Trắng còn lôi kéo thêm đồng minh tham gia. Hôm 23/5, hai gã khổng lồ viễn thông Anh là BT Group và Vodafone tuyên bố không bán điện thoại hỗ trợ 5G của Huawei. Nhà phân tích Alex Webb cho rằng đây là "tin tức đáng ngạc nhiên và tàn khốc" với công ty Trung Quốc, bởi nó đánh mạnh vào tham vọng đi đầu công nghệ 5G của Huawei.

Trong khi đó, chuyên gia Mohamed El-Erian đánh giá cuộc tấn công nhằm vào Huawei của ông Trump đang làm xáo trộn kế hoạch công nghệ và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. "Nó có thể tàn phá nền kinh tế Trung Quốc trừ khi sớm có thỏa thuận thương mại", El-Erian chia sẻ. "Ngay cả khi vấn đề được giải quyết, niềm tin toàn cầu vào các sản phẩm của Trung Quốc cũng sẽ bị lung lay".

Đào Vũ (Tổng hợp)