Sức khỏe

Lệnh cấm bán những món ăn có trứng gây phản ứng dữ dội ở Ấn Độ

Lệnh cấm bán trứng có thể đi ngược lại các mục tiêu kinh tế và thay đổi xã hội của Ấn Độ. Tiêu thụ trứng cao có thể giúp ích cho nhiều trang trại đang gặp khó khăn của đất nước.

Vào giữa tháng 11, các quan chức địa phương ở Ahmedabad, Thành phố lớn nhất Gujarat, Ấn Độ và ít nhất 4 thành phố khác đã cấm bán thịt, cá và trứng trên đường phố, New York Times đưa tin.

Nhiều người theo đạo Hindu ăn chay, đặc biệt là trong giới thượng lưu, coi trứng là sản phẩm từ thịt.

“Những chiếc xe chở đồ ăn không phải thực phẩm chay ở khắp mọi nơi trong thành phố. Ý thức tôn giáo của người dân bị tổn thương vì điều này”, thị trưởng của Thành phố Rajkot cho biết.

Ở bang phía nam Karnataka, một nhà lãnh đạo Ấn Độ giáo cũng tuyên bố sẽ phản đối kế hoạch cung cấp trứng cho bữa trưa ở trường của một số quan chức địa phương.

Một xe bán các món trứng tại Ấn Độ. Ảnh: NYT

Lệnh cấm xe hàng rong bán các món ăn liên quan đến trứng cũng được triển khai ở nhiều nơi tại đất nước này. Những cuộc kiểm tra bất ngờ được triển khai sau khi mặt trời lặn. Lực lượng chức năng mặc thường phục tràn vào khu phố sầm uất, bắt giữ các mặt hàng bị cấm. Các chủ cửa hàng bỏ chạy hoặc bất lực nhìn hàng hóa của mình bị lấy đi.

Tuy nhiên, lệnh cấm trứng có thể đi ngược lại các mục tiêu kinh tế và thay đổi xã hội của Ấn Độ. Việc tiêu thụ trứng ở nước này đã tăng đáng kể trong những năm gần đây do ngày càng nhiều gia đình bước vào tầng lớp trung lưu.

Việc tiêu thụ trứng cao hơn có thể giúp ích cho nhiều trang trại đang gặp khó khăn của đất nước. Các nhà dự báo của Chính phủ nước này từng kêu gọi tăng tiêu thụ gà và trứng, để tăng gấp đôi thu nhập của nông dân và ngăn ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Ghanshyam Shah, Giáo sư xã hội học chính trị đã nghỉ hưu sống ở Ahmedabad cho biết: “Họ muốn mọi người tin rằng thức ăn chay là thức ăn văn minh. Đó là một phần văn hóa cổ của họ”.

Trong khi đó, Naresh Kansara, một quan chức ủng hộ lệnh cấm, nói rằng việc bán thực phẩm không phải đồ chay là một sai lầm. "Tại sao họ không ăn ở khách sạn, tránh xa tầm nhìn của công chúng? Tại sao lại công khai như vậy?", ông Naresh Kansara nói.

Trong những năm gần đây, hoạt động tôn giáo được đẩy mạnh ở nước này. Các chính quyền địa phương được khuyến khích làm theo và ban hành các quy tắc ở một số nơi tuân thủ chặt chẽ giáo lý Ấn Độ giáo. Trong đó có việc thắt chặt lệnh cấm rượu và cấm giết mổ gia súc, biện pháp để bảo vệ bò, con vật linh thiêng đối với cộng đồng người theo đạo Hindu.

Thế nhưng, điều này đã dẫn đến việc nhiều người mất việc làm khi một số lò mổ bị đóng cửa.

Mộc Miên (Theo New York Times)