Ngôi sao

Lễ tang nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: "Chợt một ngày mưa cách biệt âm dương"

Giữa tiết trời giá lạnh của Hà Nội, rất đông người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã đến tiễn đưa người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo về với “Khúc hát sông quê”.

Xem video: Người thân, bạn bè khóc nấc tiễn biệt nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Trưa 9/1, đám tang của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 - Trần Thánh Tông - Hà Nội). Linh cữu của ông sau đó sẽ được đưa đi hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn vũ. Dự kiến sau khi gia đình xây dựng xong khu tưởng niệm tại Nghệ An, tro cốt của ông được di dời về quê nhà.

Trong tiết trời lạnh giá của Hà Nội, rất đông người thân, bằng hữu, văn nghệ sĩ,... gần xa đã quy tụ về đây để nhìn mặt người người nghệ sĩ tài hoa lần cuối, và đưa ông về với “sông quê”. 

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã về với "khúc sông quê" của chính mình.

Sau một hành trình dài “phiêu dạt” với thi ca, với âm nhạc và hội họa, vào lúc 19h50 ngày 7/1/2019, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 72 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc sâu sắc đối với gia đình, bạn bè, giới văn nghệ sĩ và công chúng.

Người thân khóc nấc bên linh cữu của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trước linh cữu nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Nhạc sĩ Thụy Kha tiễn đưa người bạn tri kỷ của mình bằng bốn câu thơ: “Người lãng du đã dừng bước phiêu du/ Suốt một đời giang hồ lang bạt/Thôi chào nhé bốn mươi năm gắn chặt/Chợt một ngày mưa cách biệt âm dương”.

NSND Quang Thọ đến tiễn biệt người nghệ sĩ tài hoa lần cuối.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đến tiễn đưa người bạn thân lần cuối. 

Rất đông đồng nghiệp, bằng hữu, văn nghệ sĩ gần xa đã đến nhìn mặt nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lần cuối trước khi đưa ông về với "khúc sông quê" của chính mình.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ông là nhà thơ, họa sĩ, nhà báo tài năng. Ông tham gia quân đội năm 1969, học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách chung và riêng, gồm tập thơ, trường ca, tập văn xuôi và nhạc.

Nguyễn Trọng Tạo sáng tác bài thơ đầu tiên từ năm 14 tuổi. Ông có rất nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó, có những bài thơ từng gây chấn động văn đàn như: Đồng dao cho người lớn, Tản mạn thời tôi sống, Tin thì tin không tin thì thôi... Cạnh đó, ông cũng có nhiều ca khúc nổi tiếng được khán giả yêu mến như: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, Tình ca bên một dòng sông,… Hầu hết, các tác phẩm âm nhạc của ông giàu chất thơ và mang đậm âm hưởng dân ca.

Có không ít người từng đặt câu hỏi, ông “rốt cuộc” là nhà thơ, hay nhạc sĩ, họa sĩ, ông đã cười và tự nhận: Tôi chỉ thấy mình là “nhà quê" mà thôi, bởi tôi xuất thân từ nghề làm ruộng, rồi chuyển sang làm thợ mộc...". Có lẽ bởi chất "nhà quê" trong ông, mà trong thơ và nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, đều mang đậm hơi thở của làng quê Việt Nam.