Sự kiện

Lễ hội đền Trần ở Thái Bình không tổ chức lễ khai mạc trước diễn biến dịch Corona

Đền Trần ở Thái Bình là khu di tích quốc gia đặc biệt, hàng năm đều tổ chức lễ hội truyền thống đầu xuân. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm virus corona, tỉnh này đã quyết định dừng lễ khai mạc lễ hội đền Trần năm 2020.

Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại Trung Quốc, lây lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã có người mắc bệnh. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh.

Hiện dịch này chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao.

Hình ảnh lễ khai mạc lễ hội đền Trần ở Thái Bình năm 2019.

Riêng tại tỉnh Thái Bình có 2 trường hợp người lao động trở về từ Vũ Hán có những triệu chứng nghi ngờ đã được cách ly, theo dõi và điều trị. Đến thời điểm hiện tại, một bệnh nhân quê xã An Dục (huyện Quỳnh Phụ) điều trị tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương đã có kết quả xét nghiệm âm tính với chủng virus Corona, đã được đưa ra khỏi phòng cách ly, sức khỏe ổn định; bệnh nhân nữ còn lại quê xã Phú Châu (huyện Đông Hưng) đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Trước tình hình trên, thực hiện công văn của Ban Bí thư, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh do nCoV gây ra, tỉnh Thái Bình đã thống nhất chủ trương dừng tổ chức khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2020, dự kiến diễn ra vào lúc 20h ngày 6/2 (tức 13 tháng giêng).

Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình công bố việc từ năm 2020, lễ hội Đền Trần Thái Bình sẽ được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh.

Theo đó, lễ hội được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 6/2 đến ngày 10/2 (tức ngày 13 đến 17 tháng giêng năm Canh Tý) tại Khu di tích lịch sử văn hoá đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Lễ hội Đền Trần Thái Bình gồm có phần lễ diễn ra ngày 6/2 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Canh Tý) gồm các nghi lễ truyền thống như lễ dâng hương tại mộ các vua Trần, tế mở cửa đền, lễ rước thuỷ và bộ, lễ bái yết và các hoạt động tế.

Phần hội diễn ra từ ngày 7/2 đến ngày 10/2 (tức ngày 14 đến 17 tháng Giêng năm Canh Tý) gồm các phần thi cỗ cá, thi pháp đất, thi gói bánh chưng, Ngày thơ Việt Nam, liên hoan hát Văn, thi kéo lửa nấu cơm cần.

Ngoài ra, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động phần lễ theo thường niên, các hoạt động phần hội sẽ có các hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn, kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng, Hưng Hà, gắn với tôn vinh di sản lễ hội đền Trần là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các hoạt động mang tính truyền thống, dân gian vẫn được xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà diễn ra bình thường phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và du khách thập phương dịp đầu năm mới.

UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ngành liên quan và huyện Hưng Hà chủ động các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; thành lập tổ công tác liên ngành kiểm soát việc đi lại của nhân dân và du khách; bổ sung thiết bị y tế đo thân nhiệt cho những người có thân nhiệt cao tại lễ hội, cách ly những người có biểu hiện nghi nhiễm bệnh.

Huyện Hưng Hà, xã Tiến Đức phải làm tốt công tác truyền thông để bà con và du khách thập phương tham dự lễ hội đề cao cảnh giác có biện pháp phòng tránh dịch bệnh; cấp, phát miễn phí khẩu trang y tế và yêu cầu người dân, du khách tham gia các hoạt động lễ hội phải đeo khẩu trang, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, kiểm soát du khách nước ngoài, nhất là du khách đến từ các quốc gia có dịch.