Văn hoá

Lễ hội Cầu ngư Quảng Bình được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng chứng nhận Lễ hội Cầu Ngư của người dân vùng biển thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tối 29/4, tại Quảng trường biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đã diễn ra Lễ hội Múa Bông - Chèo Cạn và đón nhận Bằng công nhận Lễ hội Cầu Ngư là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Cầu Ngư được biết đến là một nét đẹp văn hóa của ngư dân các làng chài ven biển. Lễ hội thường được ngư dân các làng biển tổ chức vào dịp tháng Giêng nhằm tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm dày cá được, làng yên vui, nhà nhà hạnh phúc.

Lễ hội Cầu ngư tại Quảng Bình.

Ngoài ra, lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Bình còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, gắn kết cộng đồng, biểu dương sức mạnh của ngư dân vùng biển. Đây cũng là dịp để ngư dân khẳng định niềm tin, ý chí, vượt qua thử thách để làm chủ vùng biển quê hương, Tổ quốc và vươn lên làm giàu từ biển trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Việc Lễ hội Cầu Ngư Quảng Bình được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ góp phần thuận lợi trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi trong phát triển du lịch Quảng Bình thời gian tới.

Lễ hội Múa Bông - Chèo Cạn.

Cùng với lễ trao Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho Lễ hội Cầu Ngư cũng đã diễn ra Lễ hội Múa Bông - Chèo Cạn. Đây là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bao đời nay của người dân vùng biển Đồng Hới nhằm cầu trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cũng là dịp để khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua sản xuất của nhân dân địa phương.