Chính sách

Lấy dân làm gốc, mọi quyết sách của Đảng đều vì dân

Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 27/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện.

Thay mặt đoàn Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu tham luận, phân tích, làm rõ các nội dung: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"; Phát huy phương châm "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân", thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên thảo luận.

Các đại biểu cũng làm rõ các nội dung xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại hóa, xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; Phát triển kinh tế tri thức-kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ TP.Hồ Chí Minh...

Vấn đề dân sinh, giải quyết những bức xúc của dân để dân tin Đảng, theo Đảng là vấn đề được các tham luận của đại biểu TANDTC và ban Dân vận đề cập sâu sắc và chi tiết.

Nền tư pháp thật sự “vì dân”

Tham luận tại Đại hội, Đại biểu Lê Hồng Quang- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án thường trực TANDTC nếu quan điểm xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, lấy tinh thần phục vụ Nhân dân làm tôn chỉ, mục đích hoạt động. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đúng như bản chất “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” của nền tư pháp nước nhà. Coi đây là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của cải cách tư pháp.

“Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp. Hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm các điều kiện về pháp lý và thực tế để người dân thực hiện đầy đủ, toàn diện các quyền của mình trong tố tụng; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm Nhân dân theo hướng hạn chế tính hình thức, tăng cường tính Nhân dân, dân chủ; nghiên cứu, tiếp thu nhân tố hợp lý của chế định Bồi thẩm đoàn”, Đại biểu Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó để nền tư pháp thật sự “vì dân”, Đại biểu Phong cho rằng, cần phát huy vai trò và hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử, của công luận và của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Đề cao trách nhiệm tự giám sát trong nội bộ của cơ quan tư pháp; Coi trọng và tăng cường sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

“Tăng cường công khai, minh bạch,thông tin kịp thời cho người dân; tích cực đối thoại, giải trình và lắng nghe Nhân dân để gần dân hơn, hiểu dân nhiều hơn, giúp dân dân được nhiều hơn và học hỏi thêm được nhiều điều từ Nhân dân”, Đại biểu Phong nói.

Các đại biểu tham dự ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đảng.

Gần gũi dân, nắm bắt những vấn đề bức xúc

Tham luận của Đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đề cao giải pháp giải quyết vấn đề “nóng” mà người dân quan tâm. Điều này được chỉ rõ, thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong Nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động Nhân dân nhận thức đúng, phối hợp để phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. “Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân. Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu. Các cấp chính quyền phải xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự xã hội, phục vụ Nhân dân, lấy mục tiêu an dân trong các vấn đề chỉ đạo”, Đại biểu Linh nói.

Để chính quyền thực sự là của dân, Đại biểu Lĩnh cũng chỉ ra phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, người đứng đầu các xã, phường, đơn vị, doanh nghiệp phải tôn trọng và nâng cao vai trò của người dân, người lao động trong việc tiếp cận thông tin, góp ý, hiến kế và quyết định những vấn đề được pháp luật quy định, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; Có giải pháp ngăn ngừa từ xa việc bùng phát các điểm nóng trong Nhân dân, không để phát sinh mâu thuẫn lợi ích trong quá trình phát triển. Xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Nghiên cứu, xây dựng luật Thực hành dân chủ ở cơ sở.

Minh Khánh