Thế giới

Lập trường của Hungary về vấn đề Ukraine vẫn không thay đổi

Là một thành viên của NATO và EU, nhưng Hungary thường không đi theo đường lối chung của phương Tây khi nói đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Hungary sẽ không điều chỉnh đường lối chính sách đối ngoại của mình đối với tình hình ở Ukraine, Thủ tướng Viktor Orban cho biết tại một cuộc họp báo hôm 26/6, theo sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc.

“Hungary đang tìm kiếm sự hợp tác trong chính sách đối ngoại với Liên minh châu Âu (EU), nhưng chúng tôi có chính sách đối ngoại có chủ quyền. Và chúng tôi sẽ không đi chệch khỏi con đường mà chúng tôi đã đi theo kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, và chúng tôi sẽ tìm kiếm hòa bình. Những nỗ lực của chúng tôi sẽ hướng tới việc đạt được điều đó”, ông Orban nhấn mạnh.

Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh của các Thủ tướng Nhóm Visegrad (V4 – gồm Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc) tại thủ đô Bratislava của Slovakia, ông Orban đã chỉ trích EU rằng khối này đã thất bại trong chính sách đối với Tây Balkan, gọi đó là một sai lầm khi EU dành ưu tiên cho Ukraine hơn các quốc gia vùng Balkan.

“Thật không thể chấp nhận được đối với cư dân của khu vực này khi thấy Ukraine xích lại gần hơn và thậm chí gia nhập (EU) trước các quốc gia của họ, những người đã cố gắng trong nhiều năm”, ông Orban nói, đề cập đến việc trao tư cách quốc gia ứng cử viên EU cho Ukraine vào tháng 6/2022.

EU đã mở các cuộc đàm phán gia nhập với Serbia và Montenegro 10 năm trước, với Albania và Macedonia vào năm 2022, trong khi Kosovo nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 12/2022.

“Chúng ta không thể bịt tai và chỉ nhìn vào Ukraine. Chúng ta cũng phải nhận thức về các nước Balkan”, ông Orban, người được coi là đồng minh thân cận nhất của Nga trong EU, nói.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Thủ tướng Nhóm Visegrad (V4 – gồm Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc) ở thủ đô Bratislava của Slovakia, ngày 26/6/2023. Ảnh: EFE

Là một thành viên của NATO và EU, nhưng Hungary thường không đi theo đường lối chung của phương Tây khi nói đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Kể từ khi cuộc xung đột bùng phát hồi tháng 2 năm ngoái, Hungary – dưới sự điều hành liên tục của Thủ tướng Orban trong suốt hơn một thập kỷ qua – đã từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, không cho phép vận chuyển vũ khí quá cảnh qua lãnh thổ Hungary vào Ukraine, đồng thời cản trở một số nỗ lực của Brussels nhằm cung cấp các gói viện trợ tài chính cho Kiev. 

Budapest cũng duy trì quan hệ thân thiện với Moscow và phản đối các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, nhưng cuối cùng vẫn bỏ phiếu thông qua chúng. Do đó, EU hiện đã thông qua 11 vòng trừng phạt đối với nhiều khía cạnh của nền kinh tế Nga.

Nhưng khối này hiện vẫn đang bế tắc trong việc thông qua gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine, trị giá 500 triệu Euro, từ Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF), do bị Budapest phủ quyết.

Hungary tuyên bố, điều kiện để nước này “bật đèn xanh” cho gói hỗ trợ mà Ukraine đang rất cần trong cuộc phản công trước Nga là: Đưa ngân hàng thương mại lớn nhất Hungary OTP ra khỏi danh sách “nhà tài trợ chiến tranh quốc tế” – một “danh sách đen” do Ukraine soạn thảo nhắm vào các công ty nước ngoài vẫn đang kinh doanh ở thị trường Nga.

Minh Đức (Theo TASS, La Prensa Latina, Euronews)