Thế giới

Thị trường lao động Trung Quốc: Ngành công nghệ hết thời, chip bán dẫn lên ngôi

Tăng trưởng việc làm chậm lại ở nhiều công ty Big Tech Trung Quốc trong bối cảnh chính phủ thắt chặt kiểm soát, nhưng nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn lại tăng.

Theo dữ liệu từ trang web tuyển dụng 51job.com, cơ hội việc làm dành cho sinh viên mới ra trường tại các công ty Internet Trung Quốc vào giữa tháng 10 giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Các công ty này thường bắt đầu tuyển sinh viên chuẩn bị ra trường vào mùa thu và kéo dài qua học kỳ mùa xuân; người được tuyển sẽ bắt đầu làm việc vào mùa hè năm tới. 

Trong khi đó, nhu cầu nhân lực của ngành sản xuất chip bán dẫn đang tăng ở mức chưa từng có, giữa bối cảnh căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung và khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu dẫn đến nhu cầu sản lượng chip cao hơn. Trong Q1/2021, lượng người được tuyển vào làm việc trong ngành này đã tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020, theo 51job.com.

Tuy vậy, chỉ 1,1% trong số đó là các kỹ thuật viên chip bán dẫn - một công việc đòi hỏi kỹ năng tương đối cao. Vị trí tuyển nhiều nhân lực nhất trong quý là thợ vận hành máy, chiếm 6,4%. Kỹ sư bán hàng và kỹ sư kiểm soát chất lượng cũng đang là các vị trí có nhu cầu cao, chiếm lần lượt 5,9% và 3,4% số nhân viên được tuyển dụng. 

Ngành công nghiệp sản xuất chip đã được che chắn khỏi chiến dịch thắt chặt kiểm soát giới công nghệ của chính phủ Trung Quốc, một phần do quốc gia này đang hướng tới việc tự chủ về công nghệ. Chiến dịch kiểm soát này, bao gồm nhiều luật, quy định và hình phạt mới nhằm vào các công ty công nghệ, bắt đầu khoảng một năm trước khi Bắc Kinh hoãn IPO của “người khổng lồ” fintech Ant Group và khởi động cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba Group Holding.  

Kể từ đó, nhiều ông lớn của ngành công nghệ Trung Quốc đã bị phạt và điều tra, bao gồm Tencent, Meituan và Didi Chuxing. Thêm vào đó, các văn bản luật mới về bảo mật dữ liệu đã khiến các công ty sở hữu nền tảng trên Internet khó kiếm tiền từ dữ liệu người dùng hơn. Chiến dịch kéo dài này có mục tiêu một phần là cam kết ngăn ngừa “sự khuếch trương tư bản vô trật tự” của chính phủ Trung Quốc. 

Sinh viên và nhân viên tuyển dụng tại một hội chợ việc làm năm 2019 tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Một nhân tố khác nằm trong chiến dịch chỉnh đốn của Bắc Kinh là việc siết hoạt động của ngành kinh doanh dạy thêm và gia sư tại nước này, nhắm vào lợi nhuận và việc niêm yết công khai của các công ty gia sư. Bên cạnh việc chặn đà tăng trưởng giá cổ phiếu của các công ty này, động thái của chính phủ còn làm cơ hội việc làm trong ngành gia sư - dạy thêm chuyên nghiệp giảm mạnh; số việc làm tuyển dụng của ngành này trong tháng 7/2021 giảm 32,4% so với tháng 3 và cao hơn nhiều so với mức giảm thời vụ 1,9%. Theo trang web tuyển dụng Zhaopin.com, số vị trí tuyển dụng trong ngành này giảm sâu nhất tại Bắc Kinh (49,3%), nơi có áp lực học tập đối với học sinh tương đối cao. 

Chiến dịch "càn quét" khu vực tư nhân dường như còn đẩy nhiều thanh niên Trung Quốc làm việc tại các công ty công nghệ chuyển hướng theo đuổi việc làm nhà nước, vốn được coi là “bát cơm sắt” tại Trung Quốc - lương thấp hơn nhưng công việc ổn định hơn. Vào năm 2020, hơn 1,5 triệu người Trung Quốc đăng ký thi tuyển vào nhà nước, tăng 110.000 so với năm 2019.  

Tùng Phong (Theo SCMP)