Kinh tế vĩ mô

Lao động thất nghiệp và thiếu việc làm cao chưa từng thấy

Dịch Covid-19 lần thứ tư lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỉ lệ và số người thiếu việc làm trong quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Sáng 12/10, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2021.

Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc tăng cao

Tại cuộc họp, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động cho biết, trong quý III/2021, số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng ở mức cao nhất, con số chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2021 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,4 triệu) và ở nữ giới (giảm 1,1 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,3 triệu người) và lực lượng lao động nam (giảm hơn 1,2 triệu người).

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%). Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Thu nhập giảm sâu

Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận thu nhập bình quân tháng của lao động quý III/2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quý III thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trong quý III/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước.

Dịch Covid khiến lượng lớn người lao động tại các tỉnh miền Nam không thể cầm cự, phải chạy xe máy xuyên ngày đêm để về quê (Ảnh: Phạm Tùng).

Thu nhập bình quân của người lao động trong một số ngành kinh tế vốn đã chịu tác động từ các đợt dịch Covid-19 lần trước, quý III tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu so với quý trước.

Trong đó, lao động ngành vận tải, kho bãi có thu nhập bình quân giảm 20,3%, tương ứng giảm 1,6 triệu đồng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có thu nhập bình quân giảm 21,2%, tương ứng giảm 1,2 triệu đồng so với quý trước.

Thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương quý III là 6 triệu đồng, giảm 795 nghìn đồng so với quý trước và giảm 525 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.