An ninh - Hình sự

Lạnh gáy hình thức tra tấn người tới chết của “tập đoàn” tín dụng đen xuyên Việt

Bị bắt giam, bỏ đói trong nhiều ngày, để một bát cơm và một bát phân ở 2 góc phòng rồi để con nợ lựa chọn. Nếu nạn nhân bò tới ăn phát phân thì không sao, nếu bò tới ăn bát cơm thì sẽ bị 10 đối tượng lao vào đánh, tra tấn cho tới chết.

Xác chết “vô chủ” bị bỏ lại bệnh viện!

Ngày 19/7, bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận và cấp cứu cho một bệnh nhân nam trong tình trạng nguy kịch do bị đa chấn thương. Khi biết nạn nhân tử vong, những người đi cùng đã bỏ đi và để lại thi thể tại bệnh viện.

Vào cuộc xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Công an tỉnh Thanh Hóa xác định nạn nhân tên là Nguyễn Văn M. (SN 1999), trú tại thôn Liên Tân, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Khám nghiệm tử thi xác định, nạn nhân chết do đa chấn thương như: Tụ máu, giập lách, tổn thương nội tạng…

Theo gia đình nạn nhân, trước khi được phát hiện tử vong, anh M. là nhân viên của Công ty tài chính Nam Long (tập đoàn Nam Long) có chi nhánh tại Bắc Kạn (trụ sở chính tại TP.HCM).

Hình ảnh nạn nhân M. bị tra tấn cho tơi chết vì chọn bát cơm thay vì phân để ăn.

Công ty tài chính Nam Long do Nguyễn Đức Thanh (SN 1988 trú tại Cầu Kho, quận 1, TP.HCM) và Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, trú tại phường 15, quận 10, TP.HCM) đồng sáng lập và điều hành. Đây là một công ty “ma” núp bóng công ty tài chính để hoạt động tín dụng đen.

Nhiệm vụ chính của anh M. là đi thu tiền vay của khách hàng nộp về cho công ty. Vào cuộc điều tra, Công an xác định, tháng 7/2018, M. thu tiền nợ của khách hàng mà không nộp về công ty và còn cầm cố một chiếc xe máy của Công ty tài chính Nam Long lấy 20 triệu đồng để tiêu xài cá nhân, rồi bỏ trốn.

Ngày 9/7, Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc tập đoàn Nam Long đã cho nhiều đàn em tổ chức lùng sục và bắt được M. đưa về chi nhánh tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội để “xét xử”.

Bắt lựa chọn giữa ăn cơm - phân?

Sau khi bị bắt giữ, anh M. được các đối tượng cầm đầu chỉ đạo đàn em đem “biệt giam” tại một căn phòng kín, bỏ đói, không cho uống nước… Tiếp theo, chúng cho đặt một bát cơm và một bát phân ở 2 góc của căn phòng và bắt nạn nhân bò dưới đất để lựa chọn ăn bát nào. Nếu ăn bát phân thì không sao, nếu bò đến chỗ bát cơm thì trên quãng đường di chuyển thì sẽ bị nhiều đối tượng đá vào bụng, mặt và tất cả các bộ phận trên cơ thể cho tới khi gục xuống. Trong quá trình bị giam giữ, 10 lần chịu “thử thách” thì anh M. đều lựa chon bò đến chỗ bát cơm và mỗi lần bò đến đều bị tra tấn như vậy.

Nguyễn Đức Thanh - nghi phạm cầm đầu tổ chức tín dụng đen Nam Long.

Ngày 10/7, anh M. được các đối tượng cầm đầu chỉ đạo đưa vào giam giữ ở chi nhánh tỉnh Thanh Hóa tại phố Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa. Sau đó, thấy M. có biểu hiện nguy kịch, các đối tượng đã đưa vào bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cấp cứu. Khi nạn nhân chết, chúng bỏ lại thi thể ở bệnh viện rồi rời đi. Nhờ vào tình tiết này mà một tập đoàn tội phạm tín dụng đen có quy mô hoạt động lớn nhất cả nước, với thủ đoạn tra tấn người như thời trung cổ được công an lôi ra ánh sáng.

Sau quá trình điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, bộ Công an để phối hợp lập chuyên án đấu tranh, triệt phá tổ chức tội phạm này. Ngày, 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với bộ Công an đã tổ chức họp báo để báo cáo kết quả bước đầu của chuyên án.

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, tập đoàn tín dụng đen Nam Long có 26 chi nhánh phụ trách 63 tỉnh thành trên cả nước. Mỗi chi nhánh phụ trách 2 - 5 tỉnh, do một người làm quản lý. Tính đến thời điểm này, có khoảng 200 bị hại đã chuyển tiền vào trên 30 tài khoản của tổ chức tội phạm, với số tiền trên 510 tỷ đồng.

Các đối tượng tham gia tập đoàn tội phạm Nam Long bị khởi tố, bắt giam.

Ngoài ra, để thiết lập "đế chế" riêng, duy trì và thể hiện quyền lực của mình, các đối tượng cầm đầu đã đặt ra chế độ "tiêu diệt" cá nhân và gia đình (bắt cóc, đe dọa người thân, thậm chí yêu cầu tự chặt ngón tay). Ngoài ra, để lôi kéo nhân viên, “tập đoàn" này thực hiện chế độ trả lương rất cao, bắt họ đặt cọc tới hàng trăm triệu đồng vào công ty để giữ chân và ràng buộc. Điều ghê sợ hơn, tổ chức tội phạm này còn soạn ra cả giáo trình đòi nợ rất chuyên nghiệp.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 9 đối tượng tham gia vụ án này. Trong đó, 7 đối tượng đã bị tạm giam, còn 2 đối tượng bỏ trốn đang bị truy nã. Ban chuyên án cũng đề nghị ai là những nạn nhân hoặc người dân biết được các thông tin của "tập đoàn" tội phạm này thì chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Thanh Hóa để phục vụ công tác điều tra. Trong trường hợp người cung cấp thông tin bị đe dọa về tính mạng sẽ được công an tổ chức bảo vệ theo quy định.