Đối thoại

Lãnh đạo thời 4.0: Áp lực từ đội ngũ nhân viên gen Z và 4 phẩm chất cần có

Doanh nghiệp muốn cạnh tranh được trong nền kinh tế số khốc liệt như hiện nay, vai trò của nhà quản lý cần được nâng cao và hoàn thiện hơn nữa.

Lực lượng lao động chính chuyển dần sang gen 

Ngày 24/2, trong Hội thảo “Lãnh đạo trong kỷ nguyên số", ThS. Ngô Quý Nhâm, Chuyên gia Tư vấn Chiến lược Cao cấp của OCD, Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương Hà Nội đã nhấn mạnh, có hai thứ khiến thế giới thay đổi nhanh là công nghệ và đại dịch Covid 19. 

Trong đó, công nghệ đóng vai trò chủ chốt như dữ liệu, AI, blockchain,... đó là thực tại và cũng là tương lai của thế giới. Mặt khác, Covid là một chất xúc tác tuyệt vời để các cá nhân, doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số nhanh chóng, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất mang tính truyền thống như Rạng Đông, nếu nắm bắt được cơ hội sẽ có một đà bật tăng trưởng đáng kể.

ThS. Ngô Quý Nhâm, Chuyên gia Tư vấn Chiến lược Cao cấp của OCD

Sự dịch chuyển nhanh chóng đó đã dẫn đến sự thay đổi kỳ vọng của khách hàng đối với tất cả các ngành trên thị trường, họ đòi hỏi ngày càng nhiều hơn giá trị được cung cấp và sự đổi mới ở sản phẩm, dịch vụ. Nhưng vấn đề đặt ra là, kỳ vọng tăng nhưng khách hàng lại không sẵn sàng chi trả số tiền nhiều hơn.

Ông giải thích, chính sự dân chủ hoá do các sản phẩm mạng xã hội, tính toàn cầu hoá đã dẫn đến vấn đề các doanh nghiệp cần phải đối mặt để làm hài lòng “thượng đế". Song, dân chủ hoá cũng đặt ra những bài toán về người lao động mà doanh nghiệp cần giải quyết như: đôi khi, nhân viên còn cập nhật thông tin và có được dữ liệu nhanh hơn cả CEO, họ cũng có năng lực và quan điểm riêng trong công việc, hoàn toàn có thể tự đưa ra quyết định.

Mặt khác, thách thức với doanh nghiệp trong kỷ nguyên số còn là kỳ vọng của xã hội đã có nhiều đổi thay khi lực lượng lao động chính đang dần dịch chuyển sang thế hệ Z. Đây là lực lượng lao động mới, sinh ra và lớn lên trong môi trường Internet bùng nổ, nên giá trị, cách thức làm việc cũng như tư duy rất khác, doanh nghiệp cần sẵn sàng để đáp ứng những kỳ vọng này.

Theo đó, muốn cạnh tranh được trong một nền kinh tế số khốc liệt như hiện nay, đòi hỏi năng lực của nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp cần được nâng cao và hoàn thiện hơn nữa.

Chuyển đổi số - trước hết cần chuyển đổi tư duy

Phát biểu tại Hội thảo, dưới cương vị một nhà lãnh đạo, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chia sẻ, những người đứng đầu doanh nghiệp cần hiểu cốt lõi của “chuyển đổi số”, trước hết cần chuyển đổi từ tư duy, nhận thức. 

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Hiện nay, chuyển đổi số chưa có một hình mẫu chuẩn nào, đặc biệt, chuyển đổi số cũng có sự thay đổi khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, cần có sự kết nối tri thức về công nghệ giữa các doanh nghiệp, trong đó cần ưu tiên hàng đầu là tri thức quản trị doanh nghiệp trong thời đại số. Từ đó, mỗi doanh nghiệp đều có thể tự tìm kiếm và thiết kế một lộ trình phù hợp với mình.

Nhìn rõ tầm quan trọng của nhà quản lý doanh nghiệp trong nền kinh tế số và thực tiễn của nhiều doanh nghiệp đã đạt được thành công trên con đường này, ThS. Ngô Quý Nhâm chỉ ra 4 phẩm chất mà lãnh đạo kỷ nguyên số cần có.

Thứ nhất, khả năng thích ứng. Khi chúng ta dẫn dắt một doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trường thay đổi chóng mặt từ công nghệ, khách hàng, phương thức giao tiếp cho đến đối thủ cạnh tranh, do đó người lãnh đạo cần có khả năng thích ứng và nắm bắt cực nhanh. Tuy nhiên, điều này sẽ không bền vững nếu thiếu đi sự tự học hỏi, trau dồi, bởi thích ứng ở đây không chỉ là vấn đề về sự linh hoạt, mà đó là sự đưa ra quyết định dựa trên hiểu biết, nắm bắt thị trường nhanh chóng.

Thứ hai, sự tò mò, đam mê khám phá. Nếu bình thường, chúng ta thường nghĩ tới “tò mò" với con mắt tiêu cực, nhưng trong bối cảnh hiện tại đây lại là điều cần thiết bởi tất cả mọi thứ đều đang rất mới mẻ. Khi thấy điều hay, điều lạ, lãnh đạo phải là người đầu tiên nhận thấy và tìm tòi về nó, từ đó làm tấm gương cho nhân viên, không chỉ bắt kịp với thời đại mà còn có thể tạo ra đột phá sáng tạo cho doanh nghiệp.

Thứ ba, yếu tố liên quan mật thiết với tính đam mê khám phá, đó là sự sáng tạo. Ông lấy ví dụ về Tổng giám đốc Công ty CP Hồng Lam, ông Nguyễn Hồng Lam, mỗi khi đi công tác đều ngắm nghía và dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về máy móc, công nghệ mới, chỉ từ hình mẫu từ giàn rửa đá tự động ở một công ty xi măng, nhờ chính sự tò mò và không ngại áp dụng cho doanh nghiệp của mình, ông đã chỉnh sửa và sáng tạo ra được một giàn rửa hoa quả tự động cho quy trình làm ô mai của mình.

Nhờ chính sự tò mò và không ngại thử của người đứng đầu, Hồng Lam đã có riêng cho mình một giàn máy rửa hoa quả tự động phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp

Cuối cùng, người lãnh đạo cần giữ được tâm thế thoải mái trước mọi mơ hồ. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên VUCA, mọi thứ đều bất định và có nhiều thông tin nhiễu loạn, do đó, người lãnh đạo luôn phải giữ được một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để cảm nhận mọi thứ xung quanh, để đưa ra những quyết định đúng đắn cho doanh nghiệp.