Tài chính - Ngân hàng

Lãnh đạo POT đã bán thỏa thuận xong toàn bộ cổ phiếu?

Hơn 2,3 triệu cổ phiếu POT của Postef được sang tay theo phương thức thỏa thuận trong phiên sáng ngày 20/4 với giá bán 34.000 đồng/CP.

Phiên giao dịch ngày 20/4 xuất hiện 3 lệnh bán thỏa thuận cổ phiếu POT của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện. Đây là cổ phiếu gây chú ý khi tăng phi mã thời gian trở lại đây.

Cụ thể, sàn chứng khoán ghi nhận 3 lệnh thỏa thuận cổ phiếu POT trị giá 2,3 triệu cổ phiếu. Một lệnh 700.000 cổ phiếu, một lệnh 799.452 cổ phiếu và một lệnh 882.320 cổ phiếu. Các lô cổ phiếu này đều được khớp tại mức giá 34.000 đồng/cổ phiếu. 3 lô cổ phiếu được bán thỏa thuận có giá trị 80,8 tỷ đồng. 

Trước đó, hôm 13/4, bà Nguyễn Thị Bích Hồng - thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef, HNX: POT) đã đăng ký bán gần 1,5 triệu cổ phiếu POT theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 19/4 đến ngày 18/5/2022. Nếu giao dịch thành công, bà Hồng không còn là cổ đông của POT. Hiện bà Nguyễn Thị Bích Hồng là Chủ tịch CTCP Chứng khoán Liên Việt. 

Như vậy, rất cổ thể bà Hồng đã bán xong lô cổ phiếu đăng ký trong hôm nay, thu về khoảng 51 tỷ đồng sau khi bán hết vốn tại Postef.

Bà Hồng đăng ký bán cổ phiếu POT trong giai đoạn cổ phiếu POT tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Sau 9 phiên tăng trần, cổ phiếu này mới bắt đầu giảm theo diễn biến thị trường. Tính đến hết phiên sáng 20/4, cổ phiếu POT đã giảm về mức 31.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, thời điểm khớp lệnh lô cổ phiếu này so với hồi đầu tháng, thị giá POT đã tăng hơn 80%. 

Mã POT giao dịch lần đầu tiên trên sàn HNX vào ngày 20/12/2006 với mức giá tham chiếu 70.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên trên 17.000 đơn vị.

Thị giá POT trong phiên 20/4 tăng hơn 80% so với hồi đầu tháng. (Ảnh: FireAnt)

POSTEF tiền thân là Nhà máy Thiết bị Bưu điện trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), được chuyển thành công ty cổ phần từ năm 2004. Sản phẩm, dịch vụ của công ty được chia thành 6 nhóm chính gồm: thiết bị đầu cuối, thiết bị ngoại vi, ống dẫn cáp, cáp các loại, thiết bị bưu chính và các sản phẩm công nghiệp khác. Vốn điều lệ công ty là 194,4 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông, VNPT nắm giữ nhiều nhất với 50% cổ phần, tương đương 9,7 triệu cổ phiếu. Hai cổ đông lớn còn lại là Chứng khoán Liên Việt với tỉ lệ 11,3%, bà Nguyễn Thị Bích Hồng sở hữu tỉ lệ 7,7% nhưng bà Hồng mới đây đã đăng ký giao dịch thoái vốn.

Diễn biến thị giá POT tăng mạnh trùng với thời điểm dự án 61 Trần Phú do Postef liên doanh với CTCP LienVietHoldings và CTCP Him Lam thực hiện đang bị dừng thi công.

Cụ thể, công trình tại số 61 Trần Phú do POSTEF là chủ đầu tư quản lý đã bị tạm dừng thi công; đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án.

Dự án có tổng diện tích khoảng 9.078 m2. Trong đó 1.555 m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 15/11/2004.

Tháng 12/2011, Postef đã ký hợp đồng hợp tác với Liên danh Công ty Cổ phần Liên Việt Holdings - Công ty Cổ phần Him Lam để đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng tại 61 Trần Phú với tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng. Vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, trong đó Postef thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất - tương đương 530 tỷ đồng (chiếm 51%), bên liên danh góp vốn bằng tiền là 509,2 tỷ đồng.

Dự án này thu hút dự luận bởi công trình cũ trên khu đất này vốn là toà nhà Pháp cổ, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, toạ lạc trên khu "đất vàng", tiếp giáp 4 tuyến phố gồm Trần Phú, Lê Trực, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Khu đất này hiện đang có bức bức phù điêu ghi dấu sự kiện "Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ" ngày 19/5/1967.

Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội mới đây đã cho biết, công trình này không nằm trong "Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa".