Thế giới

Lãnh đạo ngân hàng Nga: "Kỷ nguyên thống trị của đồng USD sắp kết thúc"

Quyền lực tối cao của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế có nguy cơ bị lung lay trước sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc và đồng nhân dân tệ.

Đầu thế kỷ 20, đồng USD vượt qua đồng bảng Anh để trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Cho đến nửa thế kỷ trước, sự thống trị của đồng tiền này trong hệ thống tài chính và thương mại quốc tế là không thể phủ nhận.

Năm 1977, USD trở thành đồng tiền dự trữ phổ biến nhất, chiếm 85% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Năm 2001, vị trí này vẫn còn, với tỉ lệ khoảng 73%. Con số đó đã dần giảm xuống xấp xỉ 58% ở thời điểm hiện tại.

Sự thống trị của USD từ lâu đã đi đôi với vị trí bá chủ của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, vị thế này khó có thể duy trì do những thay đổi khắp toàn cầu, bao gồm sự dịch chuyển dần dần trọng tâm từ phương Tây sang phương Đông, sự phức tạp của nền chính trị Mỹ, cũng như sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ, v.v.  

Sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ

Ông Andrei Kostin, Giám đốc điều hành của VTB - ngân hàng lớn thứ hai tại Nga cho biết, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã tạo ra những thay đổi sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới, làm suy yếu quá trình toàn cầu hóa, trong khi Trung Quốc ngày càng chứng tỏ vai trò là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo ông Kostin, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề sau khi đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga, bởi nhiều quốc gia đang chuyển sang thanh toán bằng các đồng tiền khác ngoài USD và Euro. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ dần dỡ bỏ các hạn chế của đồng nhân dân tệ, theo ông Kostin.

"Kỷ nguyên thống trị của đồng USD sắp kết thúc", ông Andrei Kostin, CEO ngân hàng VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga khẳng định. Ảnh: NY Times

"Kỷ nguyên thống trị của đồng USD sắp kết thúc. Trung Quốc hiểu rằng họ sẽ không thể trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới nếu họ tiếp tục để đồng nhân dân tệ của mình ở tình trạng không thể chuyển đổi”, ông Kostin nói, đồng thời cho rằng Trung Quốc sẽ gặp rủi ro nến tiếp tục đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Mỹ.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục trong 40 năm qua, trong khi cuộc xung đột Nga – Ukraine và những tranh cãi về trần nợ đã khiến đồng USD bị theo dõi sát sao. 

Ngoài ra, nhiều dấu hiệu “phi đô la hóa” đang diễn ra mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu sau khi Mỹ thực hiện việc trừng phạt, cấm các quốc gia như Iran và Nga sử dụng đồng USD để thanh toán. Tính đến nay, Washington đã thực hiện chính sách trừng phạt với 22 quốc gia.

Nga và một nhóm các quốc gia châu Phi đã khởi xướng các cuộc đàm phán để thiết lập các khu định cư bằng đồng nội tệ, ngừng sử dụng cả USD và Euro. Liên minh 5 nền kinh tế lớn mới nổi BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng đã tuyên bố ý định hợp tác để tạo ra một loại tiền tệ mới làm phương tiện thanh toán.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, mặc dù đồng tiền này chỉ chiếm chưa đến 3% dự trữ chính thức toàn cầu.

“Chiến tranh nóng”

Ông Kostin là một trong những chủ ngân hàng giàu kinh nghiệm và quyền lực nhất ở Moscow. Ông từng là người đứng đầu ngân hàng Vneshekombank, nay được gọi là VEB.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, phương Tây đã triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từng được áp đặt nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga và trừng phạt ông Putin.

Ông Koistin cho rằng các lệnh trừng phạt này là không công bằng và là một quyết định chính trị “phản tác dụng” đối với phương Tây.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng thế giới đang bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới hay không, ông Kostin cho rằng đó là một cuộc “chiến tranh nóng”, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh lạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong một cuộc gặp năm 2019. Liên minh 5 quốc gia này (BRICS) đang tìm kiếm một đồng tiền chung nhằm loại bỏ đồng USD ra khỏi các giao dịch thương mại của mình. Ảnh: Business Insider

“Nó không phải là chiến tranh lạnh, vì có quá nhiều vũ khí phương Tây cũng như nhiều dịch vụ và cố vấn quân sự có sự tham gia của phương Tây. Tình hình còn tồi tệ hơn cả chiến tranh lạnh, rất khó khăn và đáng báo động”, ông Kostin khẳng định.

Theo ông Kostin, nền kinh tế Nga sẽ không bị phương Tây làm ảnh hưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4 đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Nga từ 0,3% lên 0,7%, nhưng hạ dự báo năm 2024 xuống 1,3% từ 2,1%.

“Các biện pháp trừng phạt rất tồi tệ, và tất nhiên chúng tôi phải chịu đựng chúng. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã biết cách thích nghi. Chúng tôi cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ còn được thắt chặt hơn nữa. Nhiều cánh cửa sẽ đóng lại, nhưng rồi chúng tôi sẽ tìm thấy những cánh cửa khác”, ông Kostin lạc quan nói.

Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, IPS Journal)