Cuộc sống số

Lãnh đạo Facebook ngó lơ lệnh triệu tập điều trần ở Canada

Phía BLĐ Facebook đang phải chịu sự chỉ trích nặng nề của Ủy ban quốc tế về dữ liệu lớn, quyền riêng tư và dân chủ do liên tục vắng mặt trong các buổi điều trần về vấn đề bảo vệ quyền cá nhân.

Mark Zuckerberg (trái) và Sheryl Sandberg.

Ủy ban này bao gồm nhóm chính trị gia từ Canada và các nước khác đã  đã thông qua một kiến nghị phát lệnh triệu tập chính thức hai lãnh đạo của Facebook - CEO Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg  tới Ủy ban Đạo đức Canada nếu họ đặt chân tới quốc gia này.

Chủ tịch Ủy ban quyền cá nhân và đạo đức Canada Bob Zimmer khẳng định:  “chúng tôi đại diện cho hơn 402 triệu công dân. Việc Mark Zuckerberg không sẵn sàng trình diện trước chúng tôi và đưa ra lời khai cá nhân là bằng chứng nữa cho thấy Zuckerberg chỉ nói suông về việc hợp tác với các nhà lập pháp"

Đáng chú ý, tháng 3 vừa qua, Zuckerberg viết bài luận nhắc đến việc “mong muốn” thảo luận với các “nhà lập pháp khắp thế giới” về các vấn đề mà hội đồng quốc tế nói trên đưa ra. 

Cả CEO lẫn COO của Facebook đều vắng mặt.

Tuy 2 nhà lãnh đạo không có mặt nhưng các giám đốc chính sách Kevin Chan và Neil Potts đã tới tham dự phiên điều trần và bị chất vấn gắt gao.

Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng Zuckerberg và Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg không trình diện khi được mời đến trước hội đồng bao gồm các nhà lập pháp quốc tế để điều tra về thông tin sai lệch, quyền riêng tư và cách bảo vệ dân chủ.

Ủy ban quốc tế về dữ liệu lớn, quyền riêng tư và dân chủ tổ chức nhiều phiên điều trần trong tuần này tại Ottawa, thủ đô Canada. Mục đích của các phiên này đều nhằm cân nhắc phương pháp ngăn chặn lạm dụng mạng xã hội để vi phạm quyền riêng tư, truyền bá tin tức giả và gây rối bầu cử.

Năm 2018, Ủy ban này cũng đã họp tại London, với sự tham dự của các nghị sĩ đến từ Argentina, Anh, Canada, Chile, Estonia, Đức, Mexico và Singapore. Ủy ban cũng đã mời các đại diện của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Apple, Facebook, Microsoft, Mozilla, Twitter và Google cùng các quan chức phụ trách vấn đề quyền riêng tư và bầu cử, tham gia chất vấn.

Trước phiên điều trần hôm 27/5, Nhiều công ty lớn bao gồm: Facebook, Google và Microsoft đã ký cam kết bảo đảm toàn vẹn kết quả cuộc bầu cử liên bang vào tháng 10 tại Canada, bao gồm cả việc xóa bỏ các tài khoản và nội dung giả mạo. Tuy nhiên, các công ty công nghệ khác, bao gồm cả Twitter, không ký cam kết này.

Bá Di (Tổng hợp)