Thế giới

Lãnh đạo EU thăm Ukraine trước “giờ G”

Ủy ban châu Âu sắp công bố một báo cáo quan trọng sẽ quyết định có mở các cuộc đàm phán gia nhập EU với Ukraine hay không.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sắp đến thủ đô Kiev để bàn về tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine, hãng TSN.ua đưa tin hôm 2/11, dẫn lời Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishina.

Trong khuôn khổ chuyến thăm được cho là sẽ diễn ra vào ngày 4/11, người đứng đầu cơ quan điều hành EU sẽ hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước khi EU công bố một báo cáo quan trọng và quyết định có mở các cuộc đàm phán gia nhập với Kiev hay không.

Báo cáo của EC dự kiến được công bố vào ngày 8/11 liên quan đến tiến độ cải cách mà các quốc gia muốn trở thành thành viên EU – bao gồm Ukraine cũng như Moldova và Georgia – đạt được, bà Stefanishyna tiết lộ.

“Chúng tôi đang chờ Chủ tịch EC đến thăm để đàm phán với Tổng thống Zelensky về đánh giá cuối cùng sẽ được đệ trình lên EC để đưa ra báo cáo”, Phó Thủ tướng Ukraine về Hội nhập châu Âu giải thích.

Bà Stefanishyna cũng bày tỏ hy vọng rằng báo cáo liên quan đến việc khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EU “chắc chắn sẽ tích cực”.

Hồi tháng 6 năm ngoái, khi giao tranh ác liệt tiếp diễn giữa Nga và quốc gia Đông Âu, trong một cử chỉ mang tính biểu tượng cao, EU đã trao tư cách quốc gia ứng cử viên cho Ukraine và Moldova.

Một cuộc biểu tình do những người ủng hộ Ukraine và Georgia tổ chức bên lề Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 29/6/2023. Cuộc biểu tình được tổ chức nhằm kêu gọi EU vạch ra con đường trở thành quốc gia thành viên cho Ukraine và Georgia. Ảnh: Euractiv

Để chuyển sang giai đoạn tiếp theo – mở các cuộc đàm phán gia nhập – EC đã đặt ra 7 tiêu chuẩn cho Kiev, bao gồm chống tham nhũng tràn lan và cải cách tư pháp.

Chủ tịch EC von der Leyen đã đánh giá Ukraine vào tháng 9 năm nay và cho biết quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đã đạt được “những bước tiến lớn” trong việc áp dụng các tiêu chuẩn. Sẽ mất một thời gian để cuộc đàm phán có thể dẫn đến việc trở thành thành viên chính thức.

Năm quốc gia ở Tây Balkan (Albania, Bosnia, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia) cũng có tư cách ứng cử viên EU, nhưng một số nước đã đàm phán về tư cách thành viên trong hơn 10 năm.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, phát biểu với báo giới trước khi dự một hội nghị ở thủ đô Berlin của Đức hôm 2/11 về việc mở rộng và cải cách EU, đã kêu gọi khối này áp dụng cách tiếp cận nhanh nhẹn hơn trong việc kết nạp thành viên mới.

“Chúng tôi rất lạc quan. Chúng tôi đã thực hiện nhiều cải cách và chúng tôi đã thông qua các luật cần thiết để đáp ứng các khuyến nghị của Brussels. Quan điểm chính của Kiev là cải cách của EU không nên lấy quá trình mở rộng làm con tin”, ông Kuleba nói, giải thích rõ hơn rằng, “Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa quá trình cải cách EU và việc tiếp tục mở rộng”.

Minh Đức (Theo Xinhua, Euronews, Ukrainska Pravda)