Văn hoá

Làng tỷ phú "ngầm" trên núi Ngọc Linh, “vua sâm” chôn 300 tỷ đồng dưới lòng đất

Nhìn bên ngoài, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cũng chẳng có gì nổi bật, nhưng nếu chịu khó lắng nghe câu chuyện về sâm Ngọc Linh thì ai nấy cũng phải giật mình về độ “giàu ngầm” của các đại gia chốn núi rừng.

Làng tỷ phú ngầm trên núi Ngọc Linh.

Lên núi Ngọc Linh nghe người dân tộc Xê Đăng kể chuyện làm giàu từ cây sâm

Nguyễn Văn Lượng sau hơn 17 năm gắn bó với cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh, từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã sở hữu khối tài sản lên tới 30 tỷ đồng.

Kể về quá trình gây dựng sự nghiệp với báo Công an nhân dân, anh Lượng tâm sự: “Tôi bắt đầu nghề trồng sâm từ năm 1993. Khi đó, mỗi ký Sâm Ngọc Linh chỉ có giá khoảng 30.000 đồng, thậm chí có lúc không bán được, sâm bị úng thối, tôi gặp khó khăn chồng chất".

Không chịu đầu hàng, Lượng đã chủ động thu lượm hạt sâm ngoài tự nhiên mang về mày mò ươm giống và chọn những khoảng đất mùn có tán lá che ở độ cao khoảng 1.700 m trở lên (so với mực nước biển) để trồng và đã thành công. Đến khi cây sâm Ngọc Linh được y học phát hiện là loại cây dược liệu quý hiếm giá trị của mỗi củ sâm tăng lên thì Lượng đã có vườn cây kha khá.

Chỉ sau ít năm, vườn sâm của Nguyễn Văn Lượng đã mang về cho gia đình trăm triệu đồng lợi nhuận. Các năm tiếp theo, số tiền thu từ việc bán cây sâm Ngọc Linh đều tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Từ đó, cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc. Nhà cửa khang trang, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình được sắm sửa đầy đủ, 2 đứa con anh được cắp sách đến trường và luôn là học sinh tiên tiến nhiều năm liền..

Sâm Ngọc Linh.

Hiện tại gia đình Nguyễn Văn Lượng đang cai quản hơn 20.000 gốc sâm Ngọc Linh trên 5 năm tuổi, vào những lúc cao điểm, giá sâm có thể đạt tới 1,7 triệu đồng 1 lạng, khi quy đổi ra vườn sâm của anh có thể thu về hơn 30 tỷ đồng tiền lời.

Tuy nhiên, người giàu hơn anh Lượng, xã Trà Linh không hề thiếu.

Ông Hồ Văn Hình tiêu tốn gần 10 tỷ đồng cho xây dựng nhà cửa, vẫn dư dả tiền của để tậu ô tô sang. Đất núi rừng chi phí đắt đỏ gấp 5-10 lần dưới đồng bằng do vận chuyển vật liệu nhiều khó khăn. Những căn nhà trông tưởng chừng đơn giản nhưng lại có giá trị không thua kém gì những căn biệt thự của các đại gia miền xuôi.

Căn nhà đơn giản nhưng lại tiêu tố chả chục tỷ đồng của ông Hình.

Điều đặc biệt là ông Hình không chi trả bằng tiền mà lại dùng sâm để quy đổi.

"Tổng mức đầu tư xây nhà của gia đình tôi trên 10 tỷ đồng, trong đó riêng bờ kè là 2,4 tỷ đồng. Tất cả đổi hết một tạ sâm”, người đàn ông thật thà chia sẻ.

Ông hình nói rằng sâm trồng trên núi, cần thứ gì gia đình lại lên nhổ loại lâu năm mang xuống đổi. Trước Tết ông vừa đổi hơn 10 kg sâm lấy chiếc ô tô.

Tượng tự, ông Hồ Văn Díu cũng đang xây nhà, tậu xe bằng những củ sâm: "10 củ sâm Ngọc Linh loại một nặng khoảng một kg, giá 120-150 triệu đồng. Ngoài xây nhà, tôi còn đặt cọc mua xe ô tô ở Đà Nẵng với giá hơn một tỷ đồng, đang chờ họ bàn giao xe và trả bằng 10 kg sâm"

Ông Díu vào làm nhân viên tại Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam từ năm 1997. Sau nhiều năm, ông học được cách trồng sâm và tự mình triển khai. Gia đình ông có năm người con trai cùng nhau lên núi ở độ cao hơn 2.000 m dựng nhà ở, trồng hàng ngàn cây sâm dưới tán rừng nguyên sinh.

Khi nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông lên núi Ngọc Linh, ông Díu xuống núi dựng nhà bên đường. Đến nay ông đã hoàn thành 2 căn nhà và sẽ làm tiếp căn thứ 3 cho con trai thứ vào đầu năm 2019.

Ông Díu bên ngôi nhà đang xây.

Chia sẻ với VnExpress, ông Hồ Văn Thể, chủ tịch xã Trà Linh cho biết người dân địa phương hiếm khi mua sắm bằng tiền mặt, họ dùng sâm để giao dịch, từ xây nhà cho đến các vật dụng thường ngày.

"Sắp tới đường to mở vào làng thì sẽ có thêm nhiều ô tô và nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên. Mọi người thường gọi nóc Tắk Lang (xã Trà Linh) là làng tỷ phú quả không sai", ông Thể nói.

Nhờ trồng sâm, cuộc sống người dân Trà Linh ngày một khấm khá, nhà cao tầng mọc lên giữa chốn núi rừng.

Ngắt lá ngắt cành mang bán cũng đủ tiền tiêu xài

Theo thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Trà My, tính đến cuối năm 2018, người Xê Đăng ở xã Trà Linh gửi tiết kiệm gần 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên số tiền này chỉ là bề nổi, bởi có những gia đình còn đang ươm mầm hàng trăm tỷ đồng dưới lòng đất.

Theo VTC, “vua sâm” Hồ Văn Du sở hữu đến tới 130.000 gốc sâm cho củ, thu hoạch được. Trong số đó, có tới 10.000 gốc sâm từ 10 đến 30 năm tuổi. Sâm càng già, củ càng to, càng dài, thì càng có giá trị

Chỉ cần tính giá sâm ở mức thấp nhất, thì vườn sâm của người đàn ông Xê Đăng này cũng cho tới 6,5 tấn sâm củ và số tiền đổi lấy từng ấy sâm là 250 đến 300 tỷ đồng, một số tiền khổng lồ.

Tỷ phú Hồ Văn Du

Hàng năm, ông chỉ cần ngắt lá sâm, cành sâm đi bán, cũng thoải mái tiền tiêu rồi. Hiện tại, mỗi kg cành lá tươi tại đất Trà Linh có giá 1,5 triệu đồng. Với 130.000 cây sâm, mỗi năm cho hàng tấn lá, thì số tiền ông thu được cũng đã lên tới cả tỷ bạc, thừa thãi để ông trả lương cho người làm thuê, công trông nom bảo vệ và chi tiêu gia đình.

Chưa kể là cây giống sâm còn “đẻ ra tiền tỷ”. Hầu hết sâm của ông Du đã cho hoa, kết quả. Mỗi cây sâm trưởng thành cho 40 hạt. Khoảng 30 hạt sẽ nảy thành cây sâm giống. Mỗi cây sâm giống 1 năm tuổi có giá 40.000-50.000 đồng. Nếu cứ như vậy mà nhân lên, riêng tiền bán cây giống cũng phải đến tiền tỷ.

Nhiều tiền là vậy, ngôi nhà của ông chẳng có gì thể hiện là một tỷ phú. Cùng vì vận tải hạn chế nên đại gia như ông Du, vẫn ở nhà bình thường, vẫn sinh hoạt như các cư dân Xê Đăng khác.

Bá Di (Tổng hợp)