Dân sinh

Lạng Sơn: Tiêu hủy 140kg mỡ heo bốc mùi bị mang đi bán kiếm lời

Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số mỡ lợn chảy nước, bốc mùi hôi thối không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, không có tem vệ sinh thú y, không giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

Sáng ngày 2/9, cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng phát hiện và buộc tiêu hủy ba bao tải chứa đựng mỡ heo đã chảy nước, bốc mùi hôi thối có tổng trọng lượng 140 kg.

Qua đấu tranh, ông Phạm Văn Long khai nhận là chủ hàng và được thu mua gom tại chợ Tiên Yên, Quảng Ninh vận chuyển về TP.Lạng Sơn bán kiếm lời.

Số mỡ lợn bốc mùi được Đội QLTT số 3 tỉnh Lạng Sơn phát hiện và buộc tiêu hủy. Ảnh: Tổng cục QLTT

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm - ĐH Bách Khoa Hà Nội), cho biết sử dụng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, bốc mùi hoặc không đảm bảo chất lượng rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại như E.coli hay đặc biệt tụ cầu trùng...

Đây không phải lần duy nhất thực phẩm bẩn được tuồn trái phép, trước đó, ngày 30/8, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QTTL tỉnh Sơn La vừa thu giữ hơn 400 kg nội tạng trâu bò không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trả lời Vietnammoi, PGS Thịnh đưa ra lời khuyên: "Người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn thực phẩm tươi sống, tránh hàng đã qua bảo quản, đông lạnh. Thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất độc hại có thể không gây ra các dấu hiệu tức thì nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài".

Về phía cục An toàn thực phẩm (VFA), cục đưa ra thông báo nội tạng động vật chỉ đem lại dinh dưỡng khi chúng tuyệt đối an toàn.

Tuy nhiên, đa số nội tạng động vật có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt. 

Zing.vn cho hay, xét về mặt dinh dưỡng, nội tạng có hàm lượng calo tương tự thịt nạc (từ 100-150 calo/100 gram), hàm lượng protein khoảng 16-22% trọng lượng (trừ não và tủy) và hàm lượng chất béo trung bình từ 5-7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao.

Do đó, người tiêu thụ nhiều thực phẩm này sẽ làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch, đặc biệt đối với người cao tuổi, người béo phì và mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, huyết áp cao, gout…

Đối với việc sử dụng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc sẽ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người.

Thống kê từ Cục VFA ở Việt Nam có trên 70% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lòng. Tỉ lệ tử vong khoảng 7%. Một số ruột động vật có lượng vi khuẩn E.Coli rất lớn và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… cho người, khi không chín kỹ hoặc ô nhiễm chéo sang các thức ăn, nước uống khác trong quá trình chế biến.

Bên cạnh đó, Cục VFA cũng thông tin nội tạng có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, thận..., các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Người mắc các bệnh này thông thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và có thể tử vong.

Minh Anh (Tổng hợp)