Dân sinh

Làng nghề tàu hũ ky 100 năm tuổi ở miền Tây tất bật mùa Tết

Làng tàu hũ ky 100 năm tuổi nổi tiếng ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long vào những ngày này nhộn nhịp hẳn lên, mọi người tất bật lo Tết.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, không khí tất bật, nhộn nhịp bao trùm làng nghề tàu hũ ky 100 năm tuổi ở xã Mỹ Hòa. Nơi đây có 29 hộ sản xuất được duy trì, phát triển làng nghề và giải quyết được hàng trăm lao động tại chỗ.

Nhắc đến làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa, phải kể đến ông tổ của nghề này là cụ Châu Phoạnh (đã mất vào năm 1975, khi đó cụ 80 tuổi). Cụ Phoạnh được cho là người đầu tiên ở xã Mỹ Hòa tạo ra món tàu hũ ky (tàu hũ ky miếng lớn, tàu hũ ky cọng khô, cọng non, tàu hũ ky ướp muối…) hấp dẫn phục vụ cho bữa ăn.

Để phục vụ thị trường Tết năm nay, hàng chục hộ dân ở làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa phải tăng tốc sản xuất hết công suất gấp 2 - 3 lần so với những ngày thường trước đó.

Tàu hũ ky được phơi khô trước khi đóng gói cung ứng thị trường.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đinh Công Hoàng (sinh năm 1950 - Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hũ ky Mỹ Hòa) cho biết, ông là thế hệ thứ 3 của gia đình theo nghề truyền thống làm nghề tàu hũ ky. Không riêng gì gia đình ông, nhờ nghề này mà nhiều gia đình trong vùng đã vươn lên khá giả, nuôi con trưởng thành.

Theo ông Hoàng, khách hàng chủ yếu là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM,.. Dù hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm và thuê trên 10 nhân công nhưng cũng không sản xuất kịp đáp ứng đủ thì trường Tết.

Với gần 200 chảo nấu, mỗi ngày cơ sở ông chỉ sản xuất từ 250 - 300kg tàu hũ ky, trong khi nhu cầu thị trường thì quá lớn. Hiện, gia đình ông Hoàng không còn nhận thêm đơn hàng cung ứng tàu hũ ky vì sản xuất không kịp.

“Tuy sản xuất tất bật nhưng lợi nhuận thì rất thấp so với những năm trước đây, do chi phí thuê nhân công và nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá bán ra thị trường vẫn giữ ở mức cũ”, ông Hoàng nói thêm.

Một người thợ đang làm việc tại gia đình ông Hoàng chia sẻ kinh nghiệm, tàu hũ ky được chế biến từ đậu nành.

Quy trình chế biến khá đơn giản, đậu nành ngâm khoảng 2 - 3 giờ, đổ vào nước, rút vỏ, sảy cho hạt đậu thật sạch và bỏ vào cối xay nhuyễn thành bột.

Sau đó, vắt lấy nước và đổ vào lò nấu lửa than nóng âm ỉ và khi miếng tàu hũ đọng thành váng, thợ nấu sẽ dùng thanh trúc gợt miếng tàu hũ phơi vắt trên sào. Tiếp đó, miếng tàu hũ được phơi nắng rồi đóng gói, cung ứng đến thị trường.

Thợ nấu sẽ dùng thanh trúc gợt miếng tàu hũ phơi vắt trên sào.

“Nghề này không nặng nhọc nhưng chịu khó thức đêm và phải chịu được cái nóng của lò than rực lửa… Nếu làm việc chăm chỉ thì thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng là chuyện bình thường”, người thợ này bộc bạch.

Đưa món ăn bình dị vươn xa

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Đây là cơ sở quan trọng giúp món ăn bình dị vươn xa, mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút khách du lịch.

Thanh Lâm