Quan điểm

Lắng nghe đúng cách

Lắng nghe cũng cần đúng cách, nhưng không nhiều người biết điều này. Nếu ta lắng nghe không đúng cách, sự thấu hiểu sẽ chẳng còn nữa.

Những ngày gần đây, truyền thông quốc tế dậy sóng với cái chết thương tâm của Á hậu Philippines Christine Angelica Dacera. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô gái trẻ cần thời gian để điều tra làm rõ nhưng theo những thông tin ban đầu truyền thông đăng tải, rất có thể Christine qua đời vì bị hiếp dâm tập thể và 11 người đàn ông bị liệt vào danh sách nghi phạm.

Vụ việc thương tâm này gây rúng động dư luận. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào tội ác, nhiều người lại chĩa mũi dùi về phía người đã khuất.

Dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra, dân mạng đã nhanh tay để lại hàng loạt bình luận khiếm nhã về ngoại hình, trang phục cũng như đời sống tình cảm của cô gái xấu số.

Đây là những biểu hiện đổ lỗi cho nạn nhân phổ biến trong các vụ quấy rối, xâm hại và tấn công tình dục. Giáo sư tâm lý học Sherry Hamby, nhà sáng lập tạp chí Psychology of Violence, nhận định hành vi này bắt nguồn từ tâm lý “không có lửa thì sao có khói”.

"Lý do lớn nhất dẫn đến hành vi đổ lỗi cho nạn nhân là giả thuyết tâm lý “gieo nhân nào, gặp quả đó”. Dưới sự chi phối của ý niệm này, nhiều người tin rằng nạn nhân xứng đáng chịu hậu quả vì hành động của mình", bà nói.

Á hậu Philippines Christine Angelica Dacera.

Mặt khác, hành vi này còn nảy sinh từ định kiến trọng nam khinh nữ sâu sắc trong xã hội. Theo số liệu từ tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), đa số nạn nhân xâm hại tình dục là nữ giới. Khi chuyện xấu xảy ra, nhiều người vin vào giới tính, trang phục, cách hành xử của nạn nhân để nói chuyện đúng - sai. "Do cô này ăn mặc mát mẻ nên mới bị trêu chọc", "Ai bảo tính đong đưa, thích sống ảo trên mạng khiến người khác nổi tính xấu”,… là những ngôn từ ta dễ dàng đọc được.

Năm 2020, bắt nạt, tẩy chay trên mạng xã hội cũng phát triển vô cùng mạnh mẽ ở Việt Nam. Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang, danh hài Trấn Thành,... đều là những cái tên có lượng antifan vô cùng lớn. Lý do mà các hội antifan này ra đời nhiều vô kể. Đó có thể là kiểu ghét vì “hay nói đạo lý”, “ghét vì đơn giản ghét thôi”.

Cách đây vài ngày, Châu Bùi và nam rapper đình đám Binz là cặp đôi mới nhất gia nhập đội quân bị lập nhóm antifan. Cái lý bị ghét của cặp đôi khá đơn giản, “họ hay thả thính nhau trên mạng xã hội”. Vì cái lý lại lùng ấy mà slogan của nhóm antifan cũng mộc vô cùng “ghét không cần phải giải trình”.

Ghét một người chỉ vì họ không giống ta! Ghét một người vì họ không hành xử theo cách ta muốn! Ghét một người vì cái mồm của người khác! Lạ lùng.

Con người không ai giống ai, mỗi người có ý chí nguyện vọng của riêng mình. Sao ta muốn người khác trân trọng ý chí, tiêu chuẩn của bản thân nhưng lại không làm điều đó với người khác?

Tất cả các cuộc cách mạng của loài người phải chăng đều bắt nguồn từ mong muốn, được là chính mình, không phải sống theo ý chí của người khác. Máu và nước mắt đã rơi suốt chiều dài lịch sử nhân loại cũng chỉ vì 2 tiếng Tôn trọng. Nói thế để thấy, việc áp đặt ý chí một cách chủ quan không thu được bất cứ điều gì ngoài những cuộc cách mạng khiến cả ta và người đều “trầy da tróc vẩy”.

Sao ta muốn nâng mình lên mà lại hạ người khác xuống? Không ai xứng đáng phải chịu thương tổn.

LÊ ANH