Tài chính - Ngân hàng

Lăng kính chứng khoán 24/10: Tâm lý nhà đầu tư quyết định mốc 1.000 điểm

Theo các chuyên gia, thị trường tuy không mấy khả quan nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn rất hấp dẫn về dài hạn, nhưng cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng và không dùng Margin.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch không mấy tích cực khi chỉ số VN-Index thất bại trong việc bứt phá qua vùng 1.060-1.070 điểm trong hai phiên giao dịch đầu tuần, sau đó quay đầu giảm điểm mạnh.

Bàn luận về bước đi của thị trường những phiên vừa qua, ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam - Co-Fouder BigStock, Quản lý tài sản và ông Hoàng Vũ An, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCK VPS đều dự báo việc thủng mốc 1.000 điểm trong những phiên tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Lợi tức hàng năm của VN-Index và lạm phát (Nguồn: GSO, TPS research).

Người Đưa Tin (NĐT): Áp lực bán trong phiên cuối tuần khiến VN-Index mất gần 39 điểm, gần như xoá sạch nỗ lực phục hồi trước đó để thoái lui về dưới mốc 1.020. Theo ông, thị trường liệu có thủng mốc 1.000 điểm, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo được dự báo là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Trọng Minh: VN-Index sau khi tạo đỉnh ở vùng giá 1.500 đã hình thành một xu hướng đi xuống trung hạn. Hiện tại, VN-Index vẫn chưa tìm được vùng cân bằng về cả điểm số và tâm lý, áp lực bán mạnh cuối tuần qua thể hiện điều đó. Thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy khi các bài toán vĩ mô hiện tại có hướng giải quyết: bài toán về thị trường trái phiếu, bài toán về tỷ giá và bài toán về thanh khoản thị trường bất động sản.

Trong ngắn hạn, VN-Index đã phá vỡ hầu hết các hỗ trợ kĩ thuật, lúc này tâm lý nhà đầu tư sẽ quyết định đáy của thị trường, các ngưỡng tâm lý (các ngưỡng điểm số chẵn như 1.000, 950, 900) sẽ đóng vai trò là hỗ trợ cho thị trường. Tôi dự đoán VN-Index sẽ mất hỗ trợ 1.000 nhưng cũng sớm hồi phục và lấy lại ngưỡng này trong tuần. 

Ông Hoàng Vũ An: Theo tôi, mốc 1.000 điểm là mốc hỗ trợ dài hạn của VN-Index, vì vậy việc thị trường thủng hẳn mốc 1.000 điểm, theo tôi thấy sẽ khó có thể xảy ra. Tuy nhiên dưới áp lực bán mạnh từ tuần trước, có thể thị trường sẽ test lại mốc 1.000 điểm này trong vài phiên tới.

Nếu những yếu tố vĩ mô như: tỷ giá USD, lãi suất ngân hàng tăng, thông tin về việc hoãn thanh toán gốc, lãi của một số tổ chức phát hành trái phiếu… tiếp tục diễn biến xấu, thì việc thị trường thủng mốc 1.000 điểm tuy khả năng xảy ra thấp những vẫn có thể xuất hiện, do đó nhà đầu tư cũng nên tính tới trường hợp này.

NĐT: Trong bối cảnh NHNN liên tục điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ, đồng thời các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động, nhà đầu tư có nên vào cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn này không?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Ngân hàng nhà nước đang đối diện với một bối cảnh vĩ mô rất phức tạp. Đồng USD tăng mạnh khiến NHNN gặp khó khi đưa ra các chính sách vĩ mô để cân bằng lãi suất - tỷ giá - thanh khoản.

Ở trong nước, nhà đầu tư đang đối mặt với những biến động. Sau các vụ đại án của FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... nhà đầu tư cổ phiếu, trái phiếu đang bị ảnh hưởng tâm lý. Điều này rất lo ngại và đang làm cho dòng tiền ở thị trường trái phiếu tắc nghẽn, việc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ theo (Nghị định 65 mới ban hành) cũng gần như bất khả thi.

Đối với cổ phiếu ngân hàng, kết quả kinh doanh quý III vẫn rất tích cực, tuy nhiên khi thị trường bất động sản bị đóng băng, dòng tiền của nền kinh tế bị tắc nghẽn, tôi cho rằng các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm ngân hàng tư nhân có các tập đoàn kinh tế đứng sau.

Giai đoạn này, nếu nhà đầu tư muốn lướt sóng ngắn hạn nhóm ngân hàng thì nên ưu tiên các ngân hàng nhà nước như BID, VCB, CTG, đồng thời lưu ý giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp, không sử dụng Margin.

Ông Hoàng Vũ An: Theo tôi, giai đoạn này cổ phiếu ngân hàng trong mắt các nhà đầu tư đang trở nên kém hấp dẫn hơn do những biến động từ thị trường tiền tệ, tăng trưởng tín dụng vẫn còn hạn chế, lãi suất tăng mạnh đồng nghĩa với việc chi phí sử dụng vốn cũng tăng lên, điều này có thể sẽ gây khó khăn trong hoạt động của các ngân hàng thời gian này.

Tuy nhiên, với nhóm “cổ phiếu vua” vẫn có sự hấp dẫn nhất định, nhất là đối với các nhà đầu tư dài hạn. Bởi xét về dài hạn, một số ngân hàng vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2023, nhờ sự hỗ trợ của chất lượng tài sản vững chắc, tỉ lệ trích lập dự phòng cao, và tỉ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh…

Đặc biệt nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm từ 30-50% so với vùng đỉnh, thậm chí có những mã, giá hiện tại ngang với giá trị sổ sách, vì vậy tôi vẫn đánh giá đây là cơ hội đầu tư tốt về dài hạn, tất nhiên cần có sự lựa chọn kĩ lưỡng giữa các cổ phiếu.

NĐT: VN-Index thời gian qua liên tục giảm, dòng tiền vào thị trường yếu, nhà đầu tư đã bắt dầu cảm thấy chán nản, nhưng vẫn có những người người đang ôm cổ phiếu. Theo ông, chiến lược tiếp theo, nhà đầu tư nên giữ hay bán cắt lỗ khi thị trường sắp chạm ngưỡng tâm lý 1.000 điểm?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Đối vẫn nhà đầu tư vẫn còn giữ cổ phiếu, trước tiên cần ổn định tâm lý và chấp nhận các quyết định đầu tư sai lầm trước đó. Tránh tâm lý muốn gỡ lỗ nhanh sẽ khiến tài khoản bị mất nhanh hơn.

Sau đó, nhà đầu tư cần xem kĩ danh mục và đánh giá tiềm năng của từng cổ phiếu. Về ngắn hạn, nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu và cơ cấu lại danh mục trong nhịp phục hồi tiếp theo của thị trường và tránh việc bán tháo trong các phiên tới.

Ông Hoàng Vũ An: Theo tôi, để quyết định hành động thế nào còn phụ thuộc vào trạng thái tài khoản, danh mục, cũng như khả năng tài chính của mỗi nhà đầu tư.

Đối với những nhà đầu tư có trạng thái tài khoản tỉ lệ đòn bẩy (Margin) cao và danh mục hầu hết là cổ phiếu đầu cơ sẽ không có nhiều sự lựa chọn, trong giai đoạn thị trường diễn biến xấu như hiện tại, những nhà đầu tư này phải bán hạ tỉ trọng tài khoản về mức an toàn, kể cả bán cắt lỗ.

Đối với những nhà đầu tư có tỉ lệ đòn bẩy thấp hoặc thậm chí không dùng đòn bẩy, đồng thời trong danh mục hầu hết là các cổ phiếu tăng trưởng và phòng thủ vẫn có thể tiếp tục nắm giữ theo dõi. Nếu có nguồn tài chính ổn định thì có thể mua theo phương pháp mua “tích sản” ở thời điểm hiện tại.