Môi trường

Làng giấy Phong Khê bị "phong tỏa" bởi ô nhiễm như thế nào?

Làng giấy Phong Khê vẫn bị ô nhiễm bủa vây suốt nhiều năm qua, đây là thực trạng khiến nhiều người bức xúc, song, vẫn chưa có giải pháp khắc phục phù hợp.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường tại làng giấy Phong Khê đã tồn tại từ rất lâu. Những hệ lụy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong dân, còn nhiều dây chuyền công nghệ lạc hậu, người dân chưa tự giác, ý thức trong bảo vệ môi trường… khiến ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải, khí thải tại làng nghề giấy Phong Khê luôn trong tình trạng bức xúc.

Tuy nhiên, hàng nghìn hộ dân tại khu vực này đều trông chờ vào hoạt động của làng nghề, không chỉ ảnh hưởng đến chủ hộ kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến nhân công, đến rất nhiều người khác.

Để “cứu nguy” cho sông Ngũ Huyện Khê, chính quyền địa phương yêu cầu dừng xả thải ra đó, sau đó, phát sinh những vấn đề gì thì sẽ tiếp tục xử lý. Điều đó đã khiến xảy ra tình trạng ngập nước thải của các cơ sở sản xuất trên đường và tràn vào trường học cùng một số nhà dân.

Làng giấy Phong Khê (TP.Bắc Ninh) nhiều năm qua vẫn trở thành nơi "bức tử" sông Ngũ Huyện Khê.

Dòng nước đen ngòm đã trở thành nơi hứng chịu lượng xả thải nhiều năm.

Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc cấm xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã trực tiếp xả thải ra… đường. Đường ngập thứ nước xanh đen, nặng mùi và cuốn theo cả rác thải.

Nước ngập lênh láng ở khu vực trường học, khiến hơn 1.400 học sinh phải nghỉ học.

Một đoạn đường từ khu vực trường tiểu học và THCS Phong Khê đến trụ sở UBND phường Phong Khê vẫn đang bị ngập nước thải.

Tình trạng này được người dân phản ánh một cách bức xúc, vì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt.

Nhiều hộ sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường, mặt nước đen đặc với rất nguy cơ độc hại cao.

Để xảy ra những ảnh hưởng như vậy, một phần nguyên nhân do các cơ sở sản xuất chưa được quy hoạch đảm bảo khoảng cách với khu dân cư.

Một góc khu sản xuất của cụm công nghiệp tại làng giấy Phong Khê.

Theo ông Lê Văn Tấn (Chủ tịch UBND phường Phong Khê), hiện tại, trên địa bàn có hơn 200 doanh nghiệp đang trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh, sản xuất giấy. Các hộ sản xuất tập kết rác xung quanh cơ sở, chưa có phương án xử lý phù hợp.

Bên cạnh vấn đề nước thải, làng giấy Phong khê còn đang phải đối mặt với ô nhiễm không khí, khi lượng khói bụi độc hại thải ra môi trường mỗi ngày quá lớn.

Khói thải nghi ngút, bao phủ quanh làng giấy Phong Khê như một lớp sương mờ.

Ngay bên trong các cơ sở sản xuất, tình trạng ô nhiễm cũng luôn tồn tại.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường tại làng giấy Phong Khê đã tồn tại từ rất lâu. Những hệ lụy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong dân, còn nhiều dây chuyền công nghệ lạc hậu, người dân chưa tự giác, ý thức trong bảo vệ môi trường… khiến ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải, khí thải tại làng nghề giấy Phong Khê luôn trong tình trạng bức xúc.  

Vị Chủ tịch UBND phường Phong Khê cũng thông tin thêm: “UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định về “Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp đến 2030”, theo lộ trình đến năm 2025, tất cả các cơ sở sản xuất giấy ở đây sẽ phải di dời ra khỏi địa bàn, đóng cửa tại khu dân cư; đến năm 2030, sẽ đóng cửa khu công nghiệp I. Nếu cơ sở nào không đảm bảo, không chấp hành thì đóng cửa sớm hơn”.

Hữu Thắng - Thủy Tiên