Xu hướng thị trường

Làng ĐH Đà Nẵng 10.000 tỷ đồng đìu hiu 2 thập kỷ được tái khởi động theo xu hướng 4.0

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai quy hoạch phân khu làng ĐH Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp xu hướng công nghệ 4.0

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai quy hoạch phân khu làng đại học (ĐH) Đà Nẵng.

Trong đó, đáng chú ý là việc Chính phủ giao bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí vốn, phê duyệt dự toán lập quy hoạch và chỉ đạo ĐH Đà Nẵng lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch phân khu chức năng trong thời gian không quá 9 tháng để trình bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng phê duyệt.

Quy hoạch dự án làng ĐH Đà Nẵng trước đây.

Làng ĐH Đà Nẵng phải được thực hiện theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp xu hướng công nghệ 4.0, tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc trên cơ sở lấy sinh viên làm trung tâm, tạo thuận lợi và tiện nghi cho sinh viên.

Nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị làng ĐH Đà Nẵng có quy mô khoảng 286,5 ha, gồm 96,5 ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng và 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đây sẽ là khu chức năng đặc thù, là trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế. Tổng quy mô phục vụ của làng ĐH Đà Nẵng đến năm 2035 là 66.000 người, gồm 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ.

Hiện nay, chỉ có 4 ngôi trường (khoa) ở làng ĐH Đà Nẵng với lác đác ít sinh viên.

Dự án có các khu trung tâm, khu học tập và các cơ sở nghiên cứu thuộc ĐH Đà Nẵng (dự kiến bố trí cho 11 trường), khu thể dục - thể thao và giáo dục quốc phòng, khu nghiên cứu - phát triển - ươm tạo, khu ký túc xá sinh viên,...

Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư "Dự án Khu đô thị ĐH Đà Nẵng" với tổng mức đầu tư hơn 8.620 tỷ đồng, trong đó 3.700 tỷ đồng là kinh phí đền bù, giải tỏa, còn lại là xây dựng cơ bản. Vướng mắc nhất hiện tại của dự án là công tác phê duyệt đồ án quy hoạch chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn bất cập.

Trước đó, dự án này được Thủ tướng phê duyệt tháng 12/1997 với vốn dự kiến gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này đã “treo” suốt 20 năm qua vì công tác thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Đến nay, mới có 3 ngôi trường được xây dựng trên đất dự án là khoa Y - Dược, khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Đà Nẵng) và cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt Hàn.

Hoang hóa, nhếch nhác... là những gì có thể dễ dàng bắt gặp và nhận ra ở làng ĐH Đà Nẵng hiện tại. Dự án đã "treo" ngót nghét hơn 20 năm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa trong một lần làm việc với ĐH Đà Nẵng vào năm 2018 đã thốt lên rằng, một dự án "treo" 20 năm mà không mỏi?! Ông Nghĩa cũng chỉ đạo các ban, ngành TP.Đà Nẵng phối hợp cùng ĐH Đà Nẵng sớm thúc đẩy dự án.

Theo ghi nhận của chúng tôi, việc dự án "treo" 20 năm để lại nhiều hệ lụy cho địa phương. Ngoài sự đìu hiu, hoang vắng khi chỉ có 4 ngôi trường với lác đác sinh viên thì toàn bộ hàng trăm ha đất nơi đây đều hoang hóa, cỏ dại um tùm. Nhiều nơi được người dân trưng dụng làm khu vực chăn thả trâu bò một cách nhếch nhác, bẩn thỉu.

Cùng với đó, cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng quy hoạch "treo" này đảo lộn bởi dự án. Đó là, nhà cửa xuống cấp, đường sá hư hỏng... nhưng người dân vùng dự án không thể sửa chữa, cơi nới. Tất cả những gì họ có thể làm là... chờ đợi ngày di dời, giải tỏa.

VIDEO: Đìu hiu nơi dự án làng ĐH "treo" hơn 20 năm: