Văn hoá

Làng có nhiều người được đặt tên phố

Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) là một vùng đất cổ có tên nôm là Kẻ Vẽ. Khu vực làng cổ hiện nay gồm 6 xóm: Đông, Ngác, Vẽ, Trung, Ngấn, Chùa trải rộng trên diện tích 12 hecta. Đường xóm chạy theo chiều Bắc - Nam, hai đầu đều có cổng vào.

Xưa có 12 cổng nhưng nay chỉ còn 5. Một số đường xóm đã thay gạch bằng xi măng nhưng vẫn còn đường lát gạch nghiêng khá rộng. Thật hiếm có làng cổ nào hàng ngàn năm tuổi như làng Vẽ mà còn giữ được nhiều di tích khi đất nước trải qua bao cuộc bể dâu.

Xưa Đông Ngạc có 7 hồ lớn nhỏ thông với sông Hồng. Mùa nước lên, nước sông chảy vào các hồ trong thế “thủy tụ” làm ấm đất và sinh vượng khí cho làng nên Đông Ngạc là “Địa linh nhân kiệt”. Từ đời Trần đến đời Nguyễn, trong khoảng 500 năm, làng Đông Ngạc có 23 bảng nhãn, tiến sĩ, phó bảng, 2 tiến sĩ võ; kể thêm 2 tiến sĩ sỹ vọng và 4 tiến sĩ tiến triều nữa là 31 vị đậu đại khoa cùng với trên 400 cử nhân và tú tài. Các nhà sử học cho rằng Đông Ngạc là làng văn hiến của Việt Nam. Vì là một làng văn hóa lâu đời, Đông Ngạc có nhiều nhà thờ đại tôn của các dòng họ và nhiều nhà từ đường thờ các vị khoa bảng quá cố.

May sao việc xây cầu Thăng Long (chỉ xém qua phía Bắc của xóm Đông) và cuộc cải cách ruộng đất không đụng chạm đến các nhà thờ đại tôn và các nhà từ đường đó. Sáu nhà thờ đại tôn của 6 dòng họ lớn lâu đời nhất là Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Lê... đều được bảo tồn và giao cho người đại diện gia tộc trông nom. Hơn 30 nhà từ đường thờ các vị khoa bảng, quan chức cũ.

Đến cuối thế kỷ XIX, Kẻ Vẽ đã trở thành một trung tâm buôn bán giao dịch sầm uất của phía Tây Bắc, Hà Nội với chợ Vẽ được ghi trong sách “Đại Nam nhất thống chí” và phố Vẽ có nhiều cửa hiệu bán tơ lụa vải vóc, tạp hóa, tương cà mắm muối. Ở rải rác khắp các xóm ngõ là người làm các nghề thủ công khác như làm quạt lá vả, khăn xếp bằng lượt, chậu trồng cây cảnh bằng đất nung, gạch ngói, đồ sơn mài, nhuộm vải bằng củ nâu, vàng mã...

Đến đầu thế kỷ XX có thêm nghề làm mũ cứng bằng dút lợp vải, nghề làm mũ nan, sau này gọi là mũ panama, mũ “đầm chếch” cho phụ nữ Pháp. Về ẩm thực, Đông Ngạc từ xưa có món ăn nổi tiếng là nem Vẽ: “Giò Chèm, nem Vẽ” và một số quà bánh như bánh khoai phồng, bánh sấy. “Thứ nhất bánh cuốn Thanh Trì, thứ nhì khoai phồng làng Vẽ”.

Làm bánh khoai phồng phải đúng mực thước, nhiều kinh nghiệm, xem thời tiết mà làm thì bánh mới phồng to. Người làng Vẽ làm bánh khoai không bằng bột khoai mà làm bằng bột nếp cái hoa vàng. Nem Vẽ không giống nem chua như nem Thanh Hóa, nem Nam Định mà là nem chạo: Bì lợn sống rửa sạch, cạo sạch lông rồi chần nước sôi cho chín tới để lấy độ giòn. Dùng dao sắc mỏng lưỡi, thái tay thành sợi cho đẹp. Lọc lấy mỡ gáy cắt vuông nhỏ như hạt lựu, rồi trộn tất cả với thính đã rang thơm, thính này làm bằng gạo tẻ rang thơm vàng tán bột.

Sau một thời gian đủ để ngấm, thính sẽ làm chín mỡ gáy, dễ tiêu. “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” nghĩa là làng Giàn nhiều đất, làng Vẽ nhiều quan. Những người có công với nước được đặt tên phố từ lâu có Phan Phu Tiên, Phan Văn Trường và có hai cha con đều được đặt tên phố là Hoàng Tăng Bí và Hoàng Minh Giám.

Ấy là chưa kể nhiều danh nhân trong các triều đại từ Lê, Nguyễn được đặt tên phố ở các thành phố, thị xã trên cả nước. Nếu xét theo tiêu chí đặt tên phố ngày nay của hội đồng nhân dân TP.Hà Nội thì danh nhân Đông Ngạc xứng đáng được đặt tên phố lên đến vài chục người.

Nguyễn Ngọc Tiến