Đời sống

Lan truyền tin đồn ăn dứa, cam, tỏi "diệt" Covid-19, bác sĩ nói gì?

Hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin các loại thực phẩm (dứa, cam, tỏi...) có tính kiềm cao diệt được virus SARS-CoV-2. Bác sĩ nói gì về điều này?

Những ngày qua, số lượng bệnh nhi mắc Covid-19 có dấu hiệu tăng cao. Khi trẻ mắc bệnh, để hạn chế diễn biến nặng, trẻ cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Theo các bác sĩ, dinh dưỡng hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể, giúp trẻ tăng sức đề kháng, nhanh chóng phục hồi, đề phòng trẻ suy kiệt dẫn tới suy dinh dưỡng và hạn chế những biến chứng nặng hậu Covid-19.

Trên Infonet, TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, đưa ra lời khuyên, cha mẹ cần định kỳ theo dõi cân nặng và lượng thức ăn của trẻ xem có sụt giảm so với trước không và mức độ sụt giảm như thế nào.

Hằng ngày trẻ phải ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm (tinh bột, sữa và chế phẩm sữa, dầu mỡ, rau củ, thịt cá, trứng, các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).

TS.BS Thục lưu ý, hiện nay, có một số thông tin chưa chính xác là ăn những thực phẩm (dứa, cam, tỏi...) có tính kiềm cao hơn mức axit của virus SARS-CoV-2 để loại bỏ virus. “Cho tới nay, chưa có kết luận về một loại thức ăn cụ thể nào có thể diệt được virus. Mỗi loại thực phẩm đều có giá trị riêng”, TS.BS Thục thông tin.

Tỏi tốt cho sức khỏe nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy tỏi có tác dụng diệt virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa.

Cùng quan điểm, lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy tỏi có tác dụng diệt virus, bất kể loại virus gì, đặc biệt là nCoV.

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, tỏi là thực phẩm gia vị bổ dưỡng, có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch. Trong tỏi có glucosid lưu huỳnh, một chất dầu bay hơi hỗn hợp của sunlfua và oxyt allyl gần như nguyên chất, lưu huỳnh, hai hoạt chất kháng khuẩn là alixin và garlixin. Alixin tác dụng ức chế các vi khuẩn gram (+) và gram (-) (vi khuẩn đường ruột) và chống nấm gây bệnh. Các chế phẩm từ tỏi gồm tương tỏi, rượu tỏi, cao tỏi, thuốc tỏi để xông... có thể sử dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Tuy nhiên, chưa nghiên cứu khoa học nào cho thấy tỏi có tác dụng diệt virus, bất kể loại virus gì, đặc biệt là nCoV. Các thông tin lan truyền trên mạng về việc sử dụng tỏi khi có các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, đều là kinh nghiệm dân gian. Nhiều người chia sẻ cách giã tỏi pha với nước sôi để nguội ở nồng độ vừa phải để nhỏ mũi, chữa trị triệu chứng cúm. Tuy nhiên đây cũng là cách "không có cơ sở khoa học".

Nguy hiểm hơn, khi các bài thuốc dân gian trên lưu truyền rộng, chúng có thể khiến mọi người nhầm lẫn có công hiệu phòng ngừa Covid-19, nên không áp dụng hoặc lơ là các biện pháp phòng ngừa 5K như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đám đông; khi tiếp xúc với người bị sốt, ho phải có sự phòng vệ.

Với trẻ là F0 điều trị tại nhà, TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục lưu ý thêm về cách theo dõi và bổ sung dinh dưỡng như sau:

- Theo dõi cân nặng của trẻ: 3-5 ngày/lần, nếu trẻ sụt cân từ 1-2%/tuần cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn.

- Theo dõi lượng thức ăn của trẻ mỗi ngày: Nếu trẻ chỉ ăn lượng thực phẩm dưới 70% so với bình thường trong thời gian trên 3 ngày, cần được tư vấn bởi nhân viên y tế.

- Đảm bảo đủ nước cho trẻ: Dựa vào nhu cầu của trẻ, đảm bảo trẻ không khát, không có dấu hiệu thiếu nước như môi lưỡi khô, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.

- Ăn đủ rau tươi và trái cây.

- Không cần cho trẻ em theo chế độ đặc biệt, vẫn ăn bình thường nhưng cần đa dạng loại thực phẩm và chú ý bổ sung dầu mỡ và tăng cường protein giàu giá trị sinh học (thịt, cá trứng sữa và các loại họ đậu đỗ).

“Nếu trẻ ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi, ngạt mũi… cha mẹ có thể chia nhỏ bữa hoặc thay thế, bổ sung thêm 1-2 bữa phụ bằng các chế phẩm sữa có mức độ năng lượng cao”, TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục cho biết.

Minh Hoa (t/h)