Tiêu điểm thế giới

Lằn ranh đỏ của Nga: "Mỹ đừng nghĩ đến việc đụng vào Venezuela, hãy nhìn Syria là bài học"?

Trong cuộc họp cấp cao gần đây, Nga đã đưa ra tối hậu thư cho Mỹ về việc Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch can thiệp nào của Washington đối với Venezuela.

Tổng thống Nicolas Maduro là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.

Trong một cuộc họp cấp cao ở Rome tuần trước, dường như Nga đã nhắc lại một cảnh báo nghiêm túc đối với Mỹ: Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch can thiệp nào của quân đội Mỹ đối với Chính phủ Venezuela, cây bút Finian Cunningham viết trên Strategic Culture.

Cuộc gặp tại Thủ đô của Italia giữa đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề Venezuela - Elliot Abrams và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 19/3 đã diễn ra trong một không khí khẩn trương.

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ công bố thông tin về cuộc họp ba ngày trước. Hai quan chức đã tổ chức các cuộc thảo luận kéo dài hai giờ trong một khách sạn ở Rome, một địa điểm cho thấy cuộc họp đã được sắp xếp theo cách rất đặc biệt.

Cuộc gặp ở Rome trong tuần qua được mô tả là một cuộc trò chuyện “thẳng thắn” và “nghiêm túc” của Nga và Mỹ, giữa thời điểm Venezuela đang gặp những vấn đề hỗn loạn mà theo nhiều nhà quan sát, bao gồm cả Điện Kremlin, đổ lỗi cho sự phá hoại đến từ Mỹ.

Cũng tại thời điểm đó, tại Thủ đô Washington DC, Tổng thống Donald Trump một lần nữa cho biết trong cuộc họp báo với người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro rằng: Lựa chọn quân sự đối với vấn đề Venezuela vẫn còn trên bàn.

Theo cây bút Finian Cunningham, trong thời gian qua, Washington bị cáo buộc có những nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro, tăng cường chiến dịch gây bất ổn đất nước, với mục tiêu đưa nhân vật mà Washington hậu thuẫn là Juan Guaido lên làm lãnh đạo.

Gần đây, Washington đã triệu hồi các nhà ngoại giao cuối cùng từ quốc gia Nam Mỹ trở về nước. Bình luận về động thái này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, việc có các nhân viên ngoại giao tại đây sẽ “làm hạn chế” phạm vi hành động của Washington. Ngoài ra, American Airlines thông báo đã  hủy tất cả các dịch vụ của mình đến Venezuela trong tuần qua.

Một lần nữa, điều này cho thấy rằng Mỹ đang xem xét một sự can thiệp quân sự, thông qua trực tiếp sử dụng quân đội của mình hoặc ngấm ngầm bằng cách vũ khí hóa cho các lực lượng địa phương, chuyên gia Cunningham nêu quan điểm.

Sau cuộc họp ở Rome, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi tin rằng Washington sẽ cư xử với các đề nghị, cách tiếp cận và cảnh báo của chúng tôi một cách nghiêm túc”.

Một trong những cảnh báo được đưa ra bởi ông Ryabkov được hiểu là không có sự can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Venezuela sẽ được Moscow chấp nhận.

Về phần mình, đặc phái viên Abrams của Mỹ cho thấy ông đã hiểu rõ những gì Nga muốn nói. “Tôi nghĩ rằng cuộc đàm phán là tích cực theo nghĩa cả hai bên đã hiểu hơn về nhau, thấu hiểu tốt hơn về quan điểm của bên còn lại”, ông nói với các phóng viên.

“Một sự thấu hiểu tốt hơn về quan điểm của bên còn lại”, có nghĩa là phía Mỹ đã có một lằn ranh đỏ để rút lui.

Người Mỹ đã có bài học về sự thất bại của Syria.

Theo cây bút Cunningham, canh bạc của Washington là muốn tái diễn lại một kế hoạch như ở Syria. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm tại quốc gia Trung Đông, Mỹ liên tục đưa ra yêu cầu về một quá trình chuyển đổi chính trị mà cuối cùng được chứng kiến Tổng thống Bashar al Assad phải từ chức.

Ngược lại, lập trường của Nga đối với Syria luôn là không để cho bất kỳ thế lực nào bên ngoài quyết định vấn đề chính trị của Syria. Vấn đề của người Syria sẽ để người dân Syria xác định.

Gần ba năm sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria để cứu vãn đất nước Ả Rập khỏi cuộc chiến với phiến quân do Mỹ hậu thuẫn để lật đổ chính quyền, phía Mỹ rõ ràng đã từ bỏ mục tiêu ban đầu.

Giờ đây, chủ quyền của Syria đã trở về với người Syria, phần lớn là do sự bảo vệ kiên quyết của Nga đối với đồng minh Ả Rập.

Tương tự như vậy, Washington dường như đang nhận được một lời cảnh báo khác từ Nga - lần này là ở Mỹ Latinh, nơi người Mỹ luôn coi là sân sau.

Moscow đã nhắc lại vô số lần rằng Tổng thống hợp pháp của Venezuela là nhà lãnh đạo Nicolas Maduro, người mà dân chúng đã bầu lên vào năm ngoái với đa số phiếu áp đảo trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng - mặc dù bị phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn tẩy chay.

Việc Washington đang cố gắng thiết lập một nhà lãnh đạo khác theo ý mình được coi là sự vi phạm chủ quyền của Venezuela, cây bút Cunningham nêu rõ.

Ở Venezuela, Nga phải nhắc nhở các nhà cầm quyền của Mỹ - một lần nữa - về luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền quốc gia, như Moscow trước đây đã làm ở Syria.

Và trong trường hợp Washington nổi giận và thử dùng lựa chọn quân sự, Moscow đã thẳng thắn nói với đặc phái viên của Mỹ rằng đó sẽ là một “lằn ranh đỏ” để Nga phải ra tay. Nếu Washington có bất kỳ ý định nào, họ sẽ biết rằng thất bại ở Syria của mình cũng sẽ đến ở Venezuela, bởi nơi đây đã có người Nga hỗ trợ.

Lực lượng chính trị cần bị loại bỏ. Lực lượng quân đội cũng phải ở ngoài. Tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Venezuela. Đó là tối hậu thư hợp lý của Nga đối với Washington.

Người Mỹ vẫn đang tìm kiếm những cuộc can thiệp có thể ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng lựa chọn của họ giờ đây đã bị hạn chế.

Đã có những lúc người Mỹ có thể hoành hành khắp châu Mỹ Latinh. Nhưng giờ đây những ngày tháng hoàng kim đã không còn nữa. Một phần nhờ vào vị thế toàn cầu và sức mạnh quân sự của Nga, cây bút Cunningham nhận định.