Đa chiều

Lan man về sâm nhân câu chuyện về sâm

Báo chí đang đưa nhiều tin về việc thành lập Ban vận động Hiệp hội sâm với nhiều thắc mắc từ phía các địa phương có sâm.

Sâm Việt Nam, cho tới giờ, thì vẫn được hiểu chính là sâm Ngọc Linh, nó được phân bố ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Các loại sâm khác, cũng có, nhưng thực ra lâu nay chỉ là những thứ được... coi là sâm. Ví dụ có nơi người ta gọi cả củ cỏ gấu là sâm, cũng ngâm rượu, cũng làm thuốc, tất nhiên cũng có tác dụng chi đó.

Sâm Ngọc Linh, mươi năm trở lại đây, trở nên huy hoàng.

Vốn dĩ là những cây mọc tự nhiên ở các vùng rừng ở các địa phương vừa kể, nhưng nhiều nhất là ở núi Ngok Linh ở cả sườn đông thuộc tỉnh Quảng Nam và sườn tây thuộc tỉnh Kon Tum, trên độ cao hàng ngàn mét, quanh năm mây phủ. Nó quý là bởi, chỉ khí hậu ấy, thổ nhưỡng ấy, độ cao ấy, nói tóm lại là chỉ vùng núi đặc thù ấy thì sâm mới sống nổi.

Và cũng không phải là có nhiều.

Bà con vùng núi Ngok Linh ấy, từ xưa, đi rừng, thấy có loại “củ lạ” chuột ăn béo mẫm, bắt chuột ăn rất ngon và bổ (vùng Kbang của Gia Lai cũng có một loại củ bé như ngón tay được dân địa phương gọi là củ khỏe, vì ăn vào thấy khỏe hơn, đi rừng ăn một ít sẽ leo núi khỏe hơn, giờ cũng nhiều người dùng ngâm rượu), thì bèn cũng nhổ về dùng.

Rồi tiến lên mang về trồng quanh nhà. Theo ông Bùi Như Chương, giờ được coi như là chuyên gia sâm Ngọc Linh, thì bà con người Sê Đăng đã biết trồng sâm từ khoảng 40 năm nay. Tất nhiên không nhiều như chúng ta tưởng, mỗi nhà chục gốc, lấy lá ăn, củ to thì dùng.

Tới một ngày nó thành hàng hóa.

Vùng trồng sâm dược liệu.

Chính thức thì tới năm 1973, một số dược sĩ của khu y tế Trung bộ mới phát hiện ra sâm Ngọc Linh và biết nó quý, nhưng cũng biết sơ sơ thế vì hồi ấy chưa đủ điều kiện máy móc phương tiện phân tích. Họ nghiên cứu sâm để phục vụ nhu cầu y tế, phục hồi sức khỏe cho thương bệnh binh.

Sau khi sâm được phát hiện, khu uỷ khu 5 đã chỉ đạo ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu.

Công Ty Dược Gia Lai – Kon Tum ngay từ những ngày mới thành lập sau năm 1975 đã sản xuất một loại rượu có tên là “Tinh sâm khu V” chuyên được dùng để... biếu khách quý. Nhưng khoảng chục năm thì ngừng vì hết sâm, không thể tìm ra sâm nữa dù cái gọi là tinh sâm khu V thời ấy, theo lời một người trực tiếp sản xuất thì nó cũng chỉ... chạy qua hàng sâm, tức hàm lượng sâm trong chai tinh sâm rất ít.

Gần đây sâm Ngọc Linh mới rầm rộ trên các diễn đàn. Huyện Nam Trà My tổ chức những cuộc hội chợ sâm, lễ hội sâm thường xuyên để vừa giới thiệu, bảo vệ, trao đổi... sâm Ngọc Linh, quyết biến huyện này thành thủ phủ sâm Ngọc Linh của Việt Nam.

Hiện nay sâm Ngọc Linh chủ yếu mới đang được nhân giống, bán cây non. Công việc chăm sóc nhân giống rất vất vả bởi như đã nói, sâm ở trên núi cao, công nhân phải làm lán trại để ở và chăm sóc.

Tôi lên tận nơi và mới phát hiện ra rằng, cứ kể héc ta này héc ta kia, nhưng té ra trong các héc ta ấy người ta đặt những thùng xốp chứ rất ít trồng ra đất, và nếu ra đất cũng từng luống rất thưa, được quây bảo vệ rất kỹ, tức là không có những héc ta bạt ngàn như tưởng tượng trước đó của tôi.

Thi thoảng ở cái hội chợ sâm của huyện Nam Trà My tổ chức, có người dân địa phương đào được những củ sâm rừng mang tới bán, hôm tôi tới nghe nói có củ sâm được giới thiệu giá một tỷ.

Để thấy, việc các tỉnh có sâm phản ứng với chuyện Ban vận động thành lập Hiệp hội sâm mà không có họ là có lý. Tất nhiên việc thành lập hiệp hội là hết sức chính đáng. Nó không chỉ là nơi liên kết, bảo vệ những người liên quan tới sâm, từ trồng tới bán, mà còn bảo vệ cả người tiêu dùng.

Bởi bây giờ trên thị trường, rất nhiều sâm được rao bán, ai cũng cam đoan đây là sâm rừng, sâm thứ thiệt. Nhưng chính những người trồng sâm có sâm ấy, họ cũng có sâm để dùng đâu. Chúng tôi lên một trang trại sâm, ai cũng hấp hởi nghĩ sẽ được... tặng một củ sâm, chí ít là uống vài ly rượu sâm sau cú leo núi thăm thẳm như lên trời ấy, nhưng té ra, dù rất quý, thì chủ nhà cũng chỉ bê ra một lọ rượu ngâm lá sâm.

Mà như thế là quý lắm rồi, bởi nghe nói, ở đồng bằng, cũng có rượu lá sâm và cả lá sâm để bán, nhưng té ra nó là lá... tam thất. Và ngay các loại củ sâm đang rao bán trên thị trường, những người am hiểu sâm bảo, ở đâu ra mà nhiều thế? Và họ bật mí, củ tam thất giống hệt củ sâm Ngọc Linh.

Tôi đang ngồi viết bài này thì trên VTV1 đang đưa phóng sự một công ty ở Hà Nội huy động vốn để... sản xuất sâm, có người đã nộp cả tỷ đồng, nhưng khi công an vào cuộc, té ra nó là... công ty ma.

Thì nhân các báo đưa tin việc thành lập Ban vận động Hiệp hội sâm mà lan man thêm một chút về sâm vậy.

Nhưng mà nói thật, giờ có một ly rượu sâm Ngọc Linh thứ thiệt mà uống, bảo đảm khỏe tới ba ngày...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.