Tiêu dùng & Dư luận

Lan đột biến thành vật phẩm số, giá nghìn USD trên sàn điện tử

Lan đột biến được mã hóa thành tài sản NFT để giao dịch, nhưng người mua sẽ chỉ sở hữu lan dạng kỹ thuật số, trên mạng blockchain.

Báo Dân trí đưa tin, trước cơn sốt NFT, những cây "lan điện tử" hay "lan NFT" gần đây được đem bán ra thị trường trên sàn giao dịch quốc tế Opensea và được giao dịch bằng đồng Ethereum. Với công nghệ blockchain, những hình ảnh cây lan không bị làm giả, đồng thời bảo đảm được tính duy nhất, là cơ sở để người sở hữu an tâm về dạng tài sản kỹ thuật số này.

Xuất hiện nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia khác đã tham gia giao dịch và sở hữu cho mình những cây "lan NFT". Bên cạnh việc sở hữu những cây lan NFT này, các nhà đầu tư hằng ngày còn được nhận thêm token của nhà phát hành theo từng dòng Lan, token này được giao dịch trên sàn phi tập trung.

Giá trị của "lan điện tử" được quyết định dựa trên cộng đồng thông qua đấu giá trên sàn giao dịch. Mỗi dòng lan có số lượng khác nhau, dòng lan có giá trị cao thì số lượng càng ít và số lượng token nhận được hàng ngày cũng nhiều hơn những dòng lan có giá trị thấp hơn.

Theo ghi nhận trên thị trường, giá các dòng lan có sự tăng giá, như dòng "Phu Tho" có giá thị trường 0.08 ETH (quy đổi khoảng 170 USD) mỗi cây, lan "HO" giá 0.2 ETH (tương đương khoảng 420 USD) mỗi cây, đều tăng giá so với trước. Điều này cho thấy trào lưu này nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Cũng cần lưu ý rằng, những lan NFT này được gán với ví điện tử, nên nếu chủ sở hữu quên hay bị mất mật khẩu (hoặc 12-Word Mnemonic), họ có thể sẽ đánh mất quyền sở hữu vật phẩm.

Ngoài ra, do mọi hoạt động liên quan đến NFT đều diễn ra trên mạng lưới Blockchain nên các giao dịch lan NFT sẽ phát sinh phí giao dịch để chuyển quyền sở hữu NFT từ các chủ sở hữu cho nhau.

Việc không ít token NFT được trao đổi với giá hàng triệu USD cho thấy sự quan tâm của thế giới đối với dạng tài sản số được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain này. Nhờ tính sở hữu độc quyền, tồn tại duy nhất, không thể làm giả… mà NFT cũng phù hợp với các lĩnh vực có tính sưu tầm như hội họa, tác phẩm nghệ thuật và đặc biệt là sinh vật cảnh.

Cơn sốt NFT lan từ thế giới sang Việt Nam, song bắt đầu có dấu hiệu thoái trào. Theo thống kê của NonFungible, doanh thu của thị trường NFT đầu tháng 6 đạt 19,4 triệu USD, giảm 90% so với tháng trước đó. Số lượng ví NFT hoạt động cũng giảm 70%, từ 12.000 ví (ghi nhận đầu tháng 5) xuống còn 3.900 ví (ngày 1/6).

Thực tế với một dạng tài sản số phụ thuộc vào giá của Bitcoin, ETH như các token NFT thì thị trường cũng phụ thuộc vào sự sôi động cũng như giá bán của các đồng tiền kỹ thuật số này. Hơn nữa tại Việt Nam, giao dịch tiền kỹ thuật số chưa được bảo hộ, do đó nếu xảy ra tranh chấp thì có thể xem đây là giao dịch vô hiệu.

Một cây "lan NFT" được giao dịch trên sàn Opensea.io.

Cẩn trọng trước "cơn sốt" NFT 

Báo Tri thức và Cuộc sống đưa tin, sau cơn sốt ảo lan đột biến thật, gần đây lại xuất hiện các giao dịch mua bán lan trên các sàn giao dịch điện tử, chuyên gia cây cảnh Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội) cảnh báo những nguy cơ sốt ảo, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, người giao dịch cần thận trọng.

Ông Mười cho biết, mua NFT lan khác với mua bất kỳ loại NFT nào khác đó là việc định giá không dựa trên một cơ sở nào.

Ông lấy ví dụ, với cây cảnh, việc định giá phải dựa trên 4 tiêu chí như: Cổ, Kỳ, Mỹ, Văn. Tuy nhiên, với dòng lan đột biến thì không có tiêu chí nào để đánh giá.

"Ở góc độ khoa học, dòng lan đột biến cũng không thuộc loại quý hiếm, hoàn toàn có thể nhân giống bằng hạt (hữu tính) và bằng giâm cành (vô tính).

1 mô của cây mẹ, có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ, không có gì khó khăn.

Ở góc độ về dược liệu, lan đột biến mới có giá trị về mặt sinh vật cảnh, chưa có công trình khoa học nào công bố tác dụng làm dược liệu hoặc công dụng khác.

Còn về cái đẹp thì chỉ là một bông hoa, được đánh giá theo định tính, phụ thuộc vào cảm nghĩ, con mắt của mỗi người, không phải lúc nào cũng đẹp, với ai cũng đẹp.

Tôi cho rằng, lan đột biến được đẩy giá cao mấu chốt chỉ là phục vụ cho một số người có mục đích riêng nào đó.

Còn những người chạy theo cũng là do thấy nhiều lời đồn "đổi đời", làm giàu nhanh mà hoa mắt, chạy theo lòng tham nên mới bị mắc bẫy", ông Mười phân tích.

Từ phân tích trên, ông Mười cảnh báo, giống như giao dịch lan đột biến thật, một khi nhà đầu tư thực hiện các chiêu trò “thổi” giá lan đột biến với những giao dịch “khủng” lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng có thể sẽ khiến nhiều người dân trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của cơn sốt lan ảo.

Do đó, người dân phải rất tỉnh táo, thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán lan điện tử.

Theo VnExpress, chuyên gia Phan Đức Nhật cho rằng, người đầu tư nên cân nhắc khi mua NFT lan cũng như bất cứ loại NFT nào. Bởi tương tự các loại tiền điện tử hay vật phẩm kỹ thuật số khác, giá trị của chúng có thể lên tới hàng triệu USD nếu được quan tâm và săn lùng, nhưng cũng có thể bằng 0 nếu không được giao dịch.

Theo một chuyên gia về blockchain, mức độ rủi ro với NFT còn phụ thuộc vào hợp đồng (smart contract) với vật phẩm đó, chẳng hạn có những hợp đồng đi kèm điều khoản cho phép người mua được sở hữu phiên bản thật của vật phẩm. Tuy nhiên, điều này chưa khả thi khi áp dụng với lan NFT.

Kể từ khi ra đời vào năm 2017 và tạo cơn sốt vào đầu năm nay, NFT từng được áp dụng trên nhiều lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, vật phẩm game... Với các tính chất, như tính duy nhất, dễ dàng xác minh trên blockchain, tính bền vững, người sở hữu NFT có thể chứng minh quyền sở hữu để tạo ra các bộ sưu tập kỹ thuật số, hoặc kiếm lời từ việc mua đi bán lại vật phẩm.

Thế giới từng ghi nhận nhiều vật phẩm NFT được đánh giá "kỳ quặc", chẳng hạn NFT của cuộn giấy vệ sinh dưới dạng ảnh từng được bán với giá hơn 3.000 USD, ảnh meme hình mèo giá 83.000 USD, hay câu tweet của nhà sáng lập Twitter được bán với giá 2,9 triệu USD.

H.H (tổng hợp)