Sự kiện

Lần đầu tiên giới doanh nhân Việt Nam có ca khúc truyền thống

Ca khúc “Tự hào Doanh nhân Việt Nam” của nhạc sỹ Phạm Tiến Dũng chính thức được VCCI lựa chọn làm ca khúc truyền thống của giới doanh nhân Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị gặp gỡ toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam sáng 11/10, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết một nét đặc biệt của “ngày Tết” của giới doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay là việc lần đầu tiên VCCI công bố ca khúc truyền thống của giới doanh nhân Việt Nam.

Theo đó, đây là kết quả của cuộc thi sáng tác ca khúc “Hào khí doanh nhân Việt Nam” do VCCI phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức, được phát động từ ngày 16/3/2023 và đã nhận được tới 347 tác phẩm dự thi.

“Sau nhiều vòng đánh giá thẩm định, lựa chọn, Hội đồng giám khảo đã chọn ra được 23 ca khúc hay nhất, phù hợp nhất, mỗi bài hay một vẻ mà sau đây các hiệp hội có thể chọn lựa, sử dụng theo nhu cầu. Từ 23 ca khúc, Ban Tổ chức Cuộc thi cũng đã quyết định trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 18 giải khuyến khích.

VCCI sau khi lấy ý kiến các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đã bỏ phiếu chọn ra ca khúc truyền thống chung của giới doanh nhân, đó chính là Ca khúc “Tự hào Doanh nhân Việt Nam” của nhạc sỹ Phạm Tiến Dũng”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Theo ông Công, cùng với việc năm 2022 VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, việc cho ra đời ca khúc truyền thống của giới doanh nhân cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động do VCCI tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ngay trong phần chào cờ mở đầu hội nghị, ca khúc “Tự hào Doanh nhân Việt Nam” cũng đã chính thức được cất lên. 

Nói thêm về việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam, phát triển doanh nghiệp bền vững, Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định càng ngày chúng ta càng nhận thức vai trò và giá trị của văn hoá kinh doanh. Để hội nhập quốc tế thành công và phát triển bền vững, doanh nhân, doanh nghiệp phải trang bị cho mình bản sắc văn hoá kinh doanh.

“Đạo đức doanh nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hoá kinh doanh, văn hoá kinh doanh lại là yếu tố nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững”, ông Công nói đồng thời đặt vấn đề cần thiết phải xây dựng triết lý và văn hoá kinh doanh riêng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Điều này nhằm tạo thêm sức mạnh mềm cho doanh nghiệp trong hội nhập và phát triển, đồng thời đưa văn hoá kinh doanh của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam xứng tầm với tương lai nước ta sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.