Tiêu dùng & Dư luận

Làm thế nào để chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào miền Trung?

Hàng cứu trợ người dân miền Trung bị lũ lụt của các đơn vị, tổ chức từ thiện buộc phải liên hệ với chính quyền, cơ quan chức năng của địa phương để đảm bảo an toàn.

Đường đã hoá thành sông, xung quanh mênh mông là một biển nước, nhiều ngôi nhà, ngôi làng đã bị nước nhấn chìm. Nước cứ thế trút xuống không thương tiếc những mái nhà vốn đã trơ trọi vì nghèo. Đây chính là tình cảnh chung của người dân miền Trung vào thời điểm này. Và trong lúc này, cảnh đói, rét, màn trời chiếu đất là điều không thể tránh khỏi. Các tổ chức và nhiều đoàn từ thiện đang tập trung cứu trợ lương thực, thuốc men để đến tay người dân vùng lũ. Tuy nhiên, những chuyến hàng cứu trợ để đến tay người dân cũng không hề dễ dàng khi nhiều tuyến đường bộ bị cô lập, nước dâng cao.

Nhiều khu dân cư ở Thừa Thiên-Huế ngập sâu trong lũ.

Thời điểm này, để hàng hoá vận chuyển đến khu vực vùng lũ được nhanh chóng thì các đơn vị cứu trợ lựa chọn đường hàng không. Về việc hỗ trợ, theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa - Phòng tiếp thị, ban kế hoạch tiếp thị hàng hóa, tổng công ty Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways cho biết, hàng hóa cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung sẽ được đặt giữ chỗ và ưu tiên vận chuyển trên các chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh miền Trung. Các hãng sẽ miễn phí cước vận chuyển, phụ thu nhiên liệu và các phí liên quan đến vận chuyển các hàng hóa này bằng đường hàng không.

“Chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu yếu phẩm của bà con vùng lũ thời điểm này là vô cùng lớn. Những hàng hoá cứu trợ mà hàng không vận chuyển miễn phí sẽ áp dụng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, UBND các tỉnh, thành phố, hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp, các quỹ từ thiện (được cơ quan nhà nước cấp phép thành lập, công nhận điều lệ). Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc vận chuyển bằng đường hàng không sẽ nhanh hơn, nhưng số lượng hàng hoá sẽ không nhiều bằng đường bộ”, vị đại diện này cho hay.

Đoàn thiện nguyện cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.

Cũng trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Trần Văn Thành - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần vận chuyển Á Châu (TP.HCM) - cho biết, đơn vị đang chuyển miễn phí 100% các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng lũ thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

“Tối 19/10, chúng tôi đã có hai chuyến xe xuất phát từ TP.HCM đến các tỉnh miền Trung. Trước mắt sẽ có 1 xe tải 15 tấn và 1 container 30 tấn chở hàng hóa. Thời gian dự kiến đến nơi nhận đồ cứu trợ khoảng 30 tiếng”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho hay, đường quốc lộ tại khu vực vùng lũ đang bị cô lập vì nước ngập dâng cao, ảnh hưởng đến việc di chuyển. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn di chuyển, đi đến đâu hay đến đó. Hàng cứu trợ chúng tôi nhận vận chuyển là hàng nhu yếu phẩm, áo phao, nhiều đơn vị họ chuẩn bị sẵn cả ca-nô phòng trường hợp khi vào vùng lũ sẽ không đủ phương tiện di chuyển”, ông Thành cho biết thêm.

Ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh Văn phòng bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhìn nhận: Người đi cứu trợ phải có đủ thông tin, liên hệ cơ quan chính quyền tại địa phương như UBND tỉnh, các lực lượng chức năng khác để kết nối đảm bảo an toàn khi đi cứu trợ. Bản thân những người đi cứu trợ phải trang bị cho bản thân thật tốt rồi mới lo được cho người khác, bởi quá trình vận chuyển vào vùng lũ mà trời vẫn mưa, nước vẫn dâng thì rất là nguy hiểm.

“Thời điểm này, việc tiếp cận bằng đường thuỷ là con đường tối ưu nhất khi vào khu vực dân cư vùng lũ. Nên các đơn vị cứu hộ bắt buộc phải liên hệ với chính chuyền địa phương để lên phương án tối ưu và đảm bảo an toàn nhất, không nên tự phát, vừa nguy hiểm, vừa gây ảnh hưởng cho công tác cứu hộ”, ông Dũng nói.

Vị này cũng cho biết, phía bộ GTVT sẽ cố gắng, đảm bảo an toàn, đưa ra các cảnh báo một cách nhanh nhất tại các tuyến đường để các phương tiện kịp thời tránh, đảm bảo an toàn cho cả người và của.