Chính sách

"Làm thế nào để cán bộ chủ động từ chức khi không đủ năng lực, uy tín?"

"Hội nghị Trung ương 8 có quy định trách nhiệm nêu gương là chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín. Theo Phó Thủ tướng, làm thế nào để quy định này áp dụng được với cán bộ, đảng viên?", ĐBQH Nguyễn Anh Trí chất vấn.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: "Hội nghị Trung ương 8 có quy định trách nhiệm nêu gương là chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín. Theo Phó Thủ tướng, làm thế nào để quy định này áp dụng được với cán bộ, đảng viên?".

ĐBQH Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Trả lời chất vấn này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, vấn đề từ chức theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 8 về trách nhiệm nêu gương là một vấn đề mới, là hình thức tự nguyện nếu như người được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ: Sức khỏe, uy tín, có vi phạm.

Trong luật Cán bộ công chức cũng có quy định 5 hình thức kỷ luật với cán bộ công chức. Riêng với cán bộ bãi nhiệm và miễn nhiệm thì pháp luật hiện nay chưa quy định rõ về hình thức từ chức, sau khi có Nghị quyết Trung ương 8, chúng tôi nghĩ rằng, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bởi những văn bản quy phạm pháp luật.

Vấn đề từ chức không chỉ với các cơ quan Chính phủ mà cả trong Đảng, trong hệ thống chính trị, mặt trận, các đoàn thể, Quốc hội, Chủ tịch nước…

"Đây là vấn đề khá rộng nên cần phải nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu để ban hành văn bản, nghị định hướng dẫn cụ thể các văn bản của Quốc hội. Việc từ chức có hình thức tự nguyện, hoặc không từ chức mà có vi phạm và bỏ phiếu tín nhiệm không đạt theo quy định vẫn bị bãi nhiệm.

Trách nhiệm pháp lý đối với các vi phạm (nếu có) với cán bộ công chức đó là vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay xử lý hành chính, kỷ luật Đảng theo đúng quy định pháp luật", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu.