Sức khỏe

Làm sao xóa mặc cảm cho trẻ ảnh hưởng HIV/AIDS tại TP.HCM?

Đó là nỗi day dứt mà mỗi thành viên hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, luôn cố gắng tìm cách nào cho trẻ thoát khỏi mặc cảm khi bị ảnh hưởng HIV/AIDS tại TP.HCM.

Làm sao xóa kỳ thị cho trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS?

Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM vừa tổ chức sự kiện khởi động dự án “Đảm bảo các trẻ em nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận và thụ hưởng Quyền trẻ em” – gọi tắt là “Quyền của em”.

Anh Nguyễn Anh Phong, hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết, mục đích của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao nhận thức của cộng đồng pháp lý và cách thức thực hiện Quyền trẻ em phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng quyền trẻ em, cụ thể 3 quyền pháp lý, chăm sóc, giáo dục và vui chơi cho trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hường bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ trên địa bàn TP HCM với sự tài trợ của tổ chức Oxfam tại Việt nam

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, hội Phòng chống HV/AIDS TPHM (thuộc sở Y tế TP.HCM) chia sẻ: “Một số  trẻ, số phận sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ truyền qua, họ từ khi sinh ra đã không có sự chọn lựa nào khác, điều  mà bản thân mỗi người trong hội Phòng chống HIV/AIDS ray rứt đó là có cách gì đó để cho các em thoát khỏi mặc cảm, thoát khỏi số phận của mình, từ đó hòa nhập với cộng đồng, để các em có cuộc sống tốt hơn. Đó cũng chính là nguyên nhân mà chúng tôi cố gắng hết sức mình thực hiện dự án nhằm đưa đến cho trẻ hiểu được quyền của mình, tự tin trong cuộc sống, trong điều trị”.

Đại diện các ban ngành góp ý tại Dự án.

Cũng theo bác sĩ Vân, tại TP.HCM, số trẻ em dưới 16 tuổi bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ước tính khoảng 25.000 trẻ, trong đó trẻ bị nhiễm HIV khoảng 1.228 em; trẻ đang điều trị ARV là 1.162 em.

Thời gian qua, hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thông tin, truyền thông như một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ hành vi của trẻ và thiếu niên trong trường học và ngoài cộng đồng, nhằm giúp trẻ tự phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho cá nhân, cộng đồng, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em và người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Đồng thời, Hội cũng đã thiết lập mạng lưới hoạt động chăm sóc hỗ trợ trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để trẻ tự tin hơn, có sức khỏe, có điều kiện học tập, vui chơi, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết: “Liên quan vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Trung tâm sẽ cam kết phối hợp, hỗ trợ với cơ quan chức năng tích cực chăm sóc, quan tâm các em nhiều hơn nữa. Đến với dự án tôi rất đồng cảm, chia sẻ với mục tiêu của dự án, chúng tôi sẽ góp sức cùng các thành viên để bảo vệ quyền lợi của trẻ”.

Đại diện sở Lao động, Thương binh và xã hội TP.HCM khẳng định: “Hiện nay vấn đề khó khăn với trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS là thủ tục pháp lý, giấy tờ tùy thân. Bởi TP.HCM hiện nay thu hút khá đông đảo dân nhập cư từ các nơi đến, việc quản lý giấy tờ rất khó khăn. Để góp phần bảo vệ trẻ, tạo cho trẻ hiểu về quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi liên quan khác, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý, giấy tờ tùy thân cho các em”.