Giáo dục

Làm sao để học sinh “bắt nhịp” trở lại khi đi học?

Học sinh Hà Nội sẽ được trở lại trường ngay sau Tết Nguyên. Bên cạnh học sinh hào hứng, cũng có học sinh ngại đi học trực tiếp, nên làm gì để thay đổi “nỗi sợ” này?

Đảm bảo điều kiện an toàn, mới cho học sinh đi học

Dựa trên đề xuất của sở GD&ĐT, ngày 24/1, UBND TP.Hà Nội đã đưa ra quyết định mở cửa trường theo tình hình dịch bệnh và tỉ lệ tiêm chủng cho học sinh. Theo đó, học sinh lớp 7 đến 12 tại những khu vực dịch cấp độ 1 và 2 (“vùng xanh” và “vùng vàng”) của Hà Nội được quay lại trường học tập trung từ 8/2, sau hơn 8 tháng ở nhà.

Điều này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, bởi trong năm qua, Hà Nội là địa phương có thời gian cho học sinh học trực tuyến lâu nhất cả nước.

Trước thông tin trên, nhà văn Bùi Ngọc Phúc nhìn nhận: “Học sinh Hà Nội đi học lại là mong muốn của nhiều phụ huynh và học sinh. Sau thời gian dài học trực tuyến, việc quay lại học trực tiếp sẽ giúp các con được củng cố kiến thức, đặc biệt là các con học lớp 9 chuẩn bị thi vào 10 và các con học lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT”.

“Tuy nhiên, phụ huynh vẫn lo lắng về sự lây nhiễm chéo. Nhưng tôi tin rằng, với chương trình tiêm phủ vắc-xin hiện nay, cũng như các phương án dự phòng của sở GD&ĐT Hà Nội, chắc chắn, việc đến trường sớm được triển khai tới tận lớp 1.

Với một số ít học sinh chưa tiêm vắc-xin, đương nhiên phụ huynh đã hiểu và chấp nhận. Nhưng thực hiện tốt 5K cũng sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Sau thời gian dài ở nhà, các giáo viên và học sinh sẽ cần thời gian ôn luyện và làm quen với việc dạy và học trong tình hình mới”, nhà văn Bùi Ngọc Phúc phân tích.

Một giờ học tại trường THCS Chương Dương, trước khi có dịch Covid-19.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đều đã chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường sau dịp Tết Nguyên đán. Trong giai đoạn này, không khí ở tất cả các nhà trường đều đang rất khẩn trương, làm việc hết sức nghiêm túc để đảm bảo đón học sinh trở lại trường một cách an toàn nhất, vừa đảm bảo việc học tập vừa đảm bảo phòng chống dịch.

Tuy nhiên, cũng còn phải phụ thuộc vào tình hình dịch ở thời điểm đó, nếu như trường ở “vùng xanh” hay “vùng vàng” thì mở cửa đón học sinh”.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), mặc dù đang ở “vùng cam”, song, hiện tại, nhà trường đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch để đón học sinh trở lại trường, ngày 27/1 sẽ bắt đầu diễn tập.

Vị Hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường đã thống nhất đến toàn bộ giáo viên duy trì đảm bảo thời lượng và số tiết, không có sự thay đổi quá nhiều giữa dạy online và dạy trực tiếp tại trường, hoàn toàn không có chuyện tăng số tiết hay kéo dài thời lượng, để học sinh không bị bỡ ngỡ khi quay trở lại trường.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, nếu học sinh được đi học trở lại, chúng tôi sẽ chia học sinh thành 2 ca: Học sinh khối 8 và 9 học buổi sáng còn học sinh khối 7 vào buổi chiều, để đảm bảo giãn cách. Tỉ lệ tiêm vắc-xin cho học sinh trong trường cũng rất cao, nên cũng phần nào giảm được những nguy cơ.

Giai đoạn này, nhà trường đều đã chuẩn bị sẵn sàng, ngày nào cũng tiến hành khử khuẩn, khi nào chuyển “vùng vàng” là sẽ đón học sinh trở lại ngay”.

Học online quá lâu khiến học sinh bị giảm tương tác

Theo Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, sau một thời gian dài học trực tuyến, đại đa số học sinh đều đang muốn đi học trở lại. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại: “Theo tôi, nếu để kéo dài thêm một thời gian nữa thì có thể học sinh sẽ không muốn đi học nữa. Bởi vì học sinh sẽ ngày càng quen với việc ở nhà, không muốn ra ngoài, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai, thậm chí có độ trầm cảm nhất định.

Như hôm tôi tập trung học sinh để các em tiêm vắc-xin, thậm chí, có khi gọi mà các em còn không phản ứng, giống như bị giảm tương tác. Trước đó, học sinh trong trường vốn rất lễ phép, nhìn thấy thầy cô là chào hỏi rất ngoan, nhưng gần đây, tôi thấy các em đã khác, có người hỏi đến cũng không có động thái gì.

Nhiều phụ huynh cho biết, các em ở nhà cũng không nói năng gì, chỉ ôm điện thoại cả ngày. Ngay cả những em ngoan nhất, bây giờ cũng chơi Tiktok với Youtube rồi. Có 3 học sinh trong trường thậm chí đam mê điện tử đến mức nằng nặc đòi xin bố mẹ cho nghỉ học. Chúng tôi phải vận động rất nhiều, phân tích hết lời, các em mới chịu tiếp tục học tập”.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng ( Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương) bày tỏ lo ngại nếu học sinh tiếp tục phải học online lâu hơn.

Cũng chung một nỗi lo tương tự, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn bày tỏ: “Thời gian học online quá dài vừa qua đã ít nhiều tác động về mặt tâm lý đến học sinh, có thể ở những mức độ khác nhau. Có thể chỉ ở biểu hiện nhẹ như không cảm thấy hứng thú với giờ học, hoặc một số em ngại giao tiếp, ngại tiếp xúc, ngại vận động; và tệ hơn nữa là các em thu mình lại, không muốn gặp gỡ kể cả người thân trong nhà.

Bên cạnh đó, cũng có những em có biểu hiện lo âu, có thể do kết quả học online không được như ý muốn, rồi cha mẹ, thầy cô có thể chưa hài lòng, cũng tạo những áp lực nhất định lên học sinh. Cộng với việc thường xuyên không được vận động dẫn đến sức khỏe thể chất cũng suy giảm, đặc biệt là thị giác, hệ vận động”.

“Chưa kể, thời gian qua, cũng có những em lại lợi dụng các giờ học online để vào các trang mạng, chơi games, lướt web hay tranh thủ làm việc riêng... dành quá nhiều thời gian cho những hoạt động không lành mạnh, chểnh mảng việc học, dẫn đến bây giờ ngại học trực tiếp. Các em ngại đến trường, vì đang quen với việc học tại nhà, có thể đến giờ học chỉ bước vài bước chân là có thể vào giờ học, thậm chí có em ngồi học ngay trên giường... từ đó hình thành nên một thói quen lười vận động. Bây giờ, khi phải thay đổi thói quen xấu đó, phải dậy sớm để đi đến trường là các em lại ngại.

Ngay cả chuyện thi cử cũng vậy, dù ít dù nhiều, vì thi qua hình thức trực tuyến nên nhiều em cũng không ôn luyện một cách nghiêm túc, bởi dù sao, trong giai đoạn học trực tuyến, kết quả có thể chưa tốt nhưng vẫn được thầy cô châm chước, nương nhẹ. Còn bây giờ, quay trở lại đi học và thi trực tiếp, các em sẽ phải học một cách nghiêm túc hơn, phải dành nhiều thời gian hơn, nên sẽ không còn nhiều thời gian chơi nữa... Rõ ràng là các em lại có nhiều lo lắng, có rất nhiều thứ tác động đến tâm lý học sinh khi quay trở lại trường...”, ông Nguyễn Quốc Bình phân tích thêm.

Giải pháp “chống sốc” cho học sinh

Ông Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn) chia sẻ giải pháp “chống sốc” cho học sinh khi đi học trở lại.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình, bên cạnh những học sinh mong được đi học trực tiếp trở lại, cũng có không ít em ngại đến trường.

Chính vì vậy, ông đã thực hiện giải pháp “chống sốc” cho học sinh: “Chúng tôi đã tiến hành rà soát, phân ra các nhóm đối tượng học sinh, giúp đỡ các em khi mở cửa trường học. Để giúp học sinh “bắt nhịp” lại, công tác tuyên truyền cũng hết sức quan trọng. Nhà trường đã trao đổi với các thầy cô chủ nhiệm, để có những buổi thông tin trước với phụ huynh và học sinh về việc quay trở lại trường.

Trước hết là làm công tác tư tưởng cho các em và phụ huynh, hãy yên tâm vì các em đã được tiêm vắc-xin, sẽ hạn chế phần nào nguy cơ. Tất nhiên, cũng không thể lơ là, chủ quan, luôn tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người.

Một điểm nữa mà nhà trường cũng lưu ý để học sinh có thể chủ động thay đổi những thói quen xấu khi học online, như ngủ dậy muộn, tác phong, trang phục luộm thuộm, không chuẩn bị bài vở một cách chu đáo, chưa có thái độ học tập một cách nghiêm túc, hay ngại đi lại, ngại giao tiếp, ngại trao đổi... Tất cả những điều đó đều được nhà trường trao đổi với học sinh để các em nhận thấy được trách nhiệm của bản thân trong hoạt động chung khi các em được đến trường”.

“Trong thời gian tới đây, khi đón học sinh quay trở lại trường, chúng tôi cũng đã xác định, bước đầu, các thầy cô sẽ rất vất vả. Sẽ có những chệch choạc về nền nếp, kỷ cương, về ý thức học tập, về hiệu quả học tập... Tuy nhiên, nhà trường cũng xác định với các thầy cô giáo, chúng ta không tạo áp lực quá lớn lên ácc em học sinh, không kỳ vọng quá nhiều. Hãy bắt đầu cho các em với việc trở lại học tập bình thường, từng bước một, để khi các em đã thay đổi được thói quen thì sẽ tiến bộ dần dần.

Còn nếu ngay từ đầu, cả thầy cô và cha mẹ học sinh đều tạo áp lực, rất dễ tạo tác động ngược, làm cho các em chán nản, cảm thấy tự ti, cảm thấy không được tin tưởng, dẫn đến, từ việc học tập đến việc phát triển tâm lý bình thường của các em đều sẽ gặp khó khăn”, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.

Tuệ Nhi