Giáo dục

Làm sao để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả?

Ngày 12/10, Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện cùng Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, về việc làm sao để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, Tp.HCM.

PV: Theo quan điểm của ông, Ban đại diện cha mẹ học sinh đóng vai trò như thế nào với nhà trường, học sinh, xã hội?

Ông Huỳnh Thanh Phú: Mới đây, một số luồng ý kiến người dân yêu cầu dẹp bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tôi nhắc lại đây là ý kiến người dân, còn ý kiến của một công chức nhà nước nếu dùng từ dẹp bỏ là sai.

Ban đại diện cha mẹ học sinh được sinh ra từ cơ quan nhà nước. Trên không gian mạng, không nên phát biểu thiếu chính xác, không thể muốn nói gì nói. Tôi cho rằng, dùng từ dẹp bỏ là nặng nề đối với vấn đề này.

Ngày hôm nay, trong quá trình hội nhập, người dân trên mọi miền Tổ Quốc đều chung tay cho sự nghiệp giáo dục. 

Tôi thấy sự ra đời của Ban đại diện cha mẹ học sinh rất hay, có ích cho trường, cho xã hội. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục rất hạn hẹp, thì sự chung tay chia sẻ của phụ huynh với nhà trường là rất tốt. Do đó, tôi cho là cần duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh trên tinh thần đúng quy định pháp luật.

PV: Theo ông, nếu phụ huynh đóng góp kinh phí, sẽ có ích cho các em như thế nào?

Ông Huỳnh Thanh Phú: Theo tôi, ngân sách giáo dục do Nhà nước  cấp cho chuyển đổi số giáo dục không thể đủ, như đường truyền, máy, phòng máy, phương tiện hạ tầng để thực hiện được chuyển đổi số đều thiếu.

Ví dụ, dưới thời tiết khắc nghiệt, nhiều phụ huynh mong muốn trường cho  trang bị máy lạnh để phục vụ các con.

Trong quy định, nhà trường không có nghĩa vụ trang bị máy lạnh, máy chiếu cho các em. Vì vậy, việc tu bổ, sửa chữa những phòng học xuống cấp, trang bị thêm máy móc phục vụ việc học cần chung sức của phụ huynh.

Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ về lợi ích của hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh với Người Đưa Tin. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Nhà vệ sinh cũng là một vấn đề, nhất ở trung tâm thành phố. Nhưng nguồn ngân sách hiện không đủ để xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, Thông tư 55 nói rõ, không cào bằng, mà dựa trên tinh thần tự nguyện, có ít làm ít.

Nên Ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng, giáo viên phải nhìn cho được, thấy cho được để chúng ta đề ra hạng mục phù hợp, có kế hoạch rõ ràng và phải được sự đồng thuận. Nếu có phụ huynh không đồng ý tham gia đó là quyền của người ta, không bắt ép.

Nếu thu thái quá, máy vi tính có 10 triệu đồng mà thu 29 triệu đồng, nhà vệ sinh có 10 triệu đồng mà thu 150 triệu đồng thì phụ huynh thắc mắc, phản đối là đúng. Do nó quá bất hợp lý, thu vô tội vạ ảnh hưởng đến trường, lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đó…

Tôi cho rằng, chúng ta phải trân quý mọi sự đóng góp của phụ huynh cho ngành giáo dục. 

PV: Làm sao cho Ban đại diện hoạt động hiệu quả nhất, ông thử đưa ra vài giải pháp hiệu quả nhất, thưa ông?

Ông Huỳnh Thanh Phú: Thứ nhất không nên vận động đóng góp mỗi năm, nên xây dựng kế hoạch dài hạn. Ví dụ sau một năm học tổng kết lại, nhà trường cùng đánh giá lại cơ sở vật chất năm trước còn sử dụng tiếp hay không, từng hạng mục nếu tu bổ thì chi phí thế nào.

Thứ hai, phải tường minh rõ ràng, về giá, về kinh phí, thực hiện nội dung gì phải phù hợp với thực tế, trên tinh thần nguồn lực phụ huynh đóng góp, chứ chúng ta không kê giá lên, sẽ gây bức xúc cho phụ huynh.

Thứ ba, phải nghĩ tới tính nhân văn, tính cộng đồng, quan tâm đặc biệt đến đối tượng học sinh khó khăn, hỗ trợ học phí, cấp học bổng. Chúng ta cần làm đúng luật nhưng trên tinh thần Thông tư 55 là tự nguyện, nếu ai không tham gia, không được ép họ tham gia.

Kế hoạch thực hiện nội dung gì phải xây dựng rõ ràng để chi kinh phí phù hợp. Ví dụ sơn lại phòng học chỉ 1 triệu đồng nhưng kê khai khống lên 3, 4 chục triệu đồng thì không ai đồng ý. Hiện nay, giá dịch vụ gì đều có sẵn trên mạng, phải tham khảo, phù hợp mới thực hiện.

Hiện, Trường THPT Bùi Thị Xuân không có việc vận động kinh phí hoạt động nhà trường. Nhưng nếu trường thực hiện bất cứ nội dung gì liên quan tiền phụ huynh tự nguyện đóng góp, chúng tôi đều yêu cầu kế toán khi chi ngân sách phải ghi rõ ràng cấp lớp, cấp trường. Là hiệu trưởng, tôi cũng không ra văn bản thu tiền của phụ huynh bất cứ khoản nào trái quy định.

Quan điểm của tôi, nếu phụ huynh tự nguyện đóng góp thì để dành cho các hoạt động của học sinh. Tôi cũng nói thêm, nhà trường luôn xây dựng nguồn kinh phí để hoạt động chung, còn kinh phí cha mẹ hoạt động góp chỉ là hỗ trợ thêm vào một số hoạt động nhất định.

Kinh phí phụ huynh là của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cần phải thông qua nhà trường, phải thảo luận với Ban giám hiệu, không xâm phạm quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân tham gia học thể dục ngoài trời.

PV: Ông có ý kiến thế nào khi mới đây đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM cho rằng, theo quy định không có quỹ lớp, quỹ trường?

Ông Huỳnh Thanh Phú: Quỹ lớp quỹ trường không có, chỉ có kinh phí hoạt động trường, kinh phí hoạt động lớp, rõ ràng dùng từ quỹ lớp quỹ trường là sai. Kinh phí theo quy định tinh thần Thông tư 55 là tự nguyện. Tôi cho rằng chỉ đạo của Sở là đúng, không có quỹ trường quỹ lớp.

Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền của phụ huynh và đưa về cho giáo viên giữ là không đúng. Giáo viên chỉ là người dạy học. Kinh phí hoạt động cha mẹ học sinh cấp trường, khi tiền chi ra phải tường minh, được sự đồng thuận của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Muốn vậy, nhà trường phải xây dựng kế hoạch, sau đó đưa ra Ban đại diện cha mẹ học sinh lấy ý kiến. Kế hoạch chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của tất cả các thành viên Ban đại diện, chứ không phải chỉ một, hai người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh.

PV: Ông đánh giá thế nào vai trò của hiệu trưởng để quỹ đóng góp từ phụ huynh được sử dụng hiệu quả, để không còn nói ý kiến cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh là "sân sau" của trường, của hiệu trưởng?

Ông Huỳnh Thanh Phú: Tôi cho rằng, hiệu trưởng phải sâu sát, phải nắm được tất cả các hoạt động chung của trường chứ không chỉ một việc nhỏ như thế này.

Hiệu trưởng không thể nói không biết khi các lớp họp phụ huynh và có những khoản thu vô lý. Chẳng hạn, một phòng học sửa chỉ 4 triệu đồng nhưng thu lên tới 40 triệu…là bất hợp lý, mình trả lời trước phụ huynh, trước xã hội thế nào được.

Ngoài ra, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải sâu sát, tường minh, rõ ràng và công khai. Ban đại diện cha mẹ học sinh phải nắm rõ Thông tư 55, mới thực hiện hiệu quả nguồn kinh phí được.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Lành