Môi trường

Làm sạch sông Tô Lịch: Chuyên gia Nhật gồng mình dưới bùn, nước thải vẫn ào ào chảy

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, đi dọc sông Tô Lịch cứ 50m sẽ gặp một cống nước thải sinh hoạt không qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường. Nhiều người lo ngại, dù công nghệ làm sạch sông Tô Lịch có hiện đại đến đâu, nếu vẫn để tình trạng này tồn tại thì khó "cứu" được dòng sông "chết".

Dự án xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch (Hà Nội) bằng công nghệ Nano- Bioreactor được khởi công từ ngày 16/5 do các chuyên gia Nhật trực tiếp thực hiện và có sự hỗ trợ từ các kĩ sư Việt Nam. Theo đó bằng công nghệ này sẽ không cần phải nạo vét cơ học, chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm và khoảng 2 tháng các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định phương án này không mấy khả thi khi mà các chuyên gia gồng mình dưới bùn lầy giải quyết, còn nước thải sinh hoạt vẫn ngày ngày trực tiếp xả xuống sông mà không qua bất kì công đoạn xử lý nào.

Dọc hai bên bờ sông, theo ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin, cứ 50m sẽ có một cống thải đủ các kích cỡ. Đây là những cống nước thải sinh hoạt của các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông thải ra, thứ nhất là tiện, thứ hai là cũng không có diện tích nào khác phù hợp để xử lý, dẫn đến dòng sông Tô Lịch đã từ lâu trở thành dòng sông "chết". Đặc biệt là những ngày nắng nóng, oi bức, mùi hôi thối nồng nặc từ dòng sông càng bốc lên nhiều hơn.

Cứ 50m là gặp một cống xả nước thải, nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống dọc hai bên bờ sông, trong khi đó chưa kể lượng nhà hàng và quán ăn thải ra là một áp lực rất lớn đối với sông Tô Lịch, đây là nguyên nhân cũng là vấn đề đau đầu của các nhà chức trách ở Việt Nam. Công nghệ Nano của các chuyên gia Nhật liệu có khả thi đối với lượng nước thải mỗi ngày thải ra từ những hộ dân sống sát dòng sông này?

Bà Ngô Thị Ngân, Vũ Tông Phan, Hà Nội chia sẻ: "Tôi cũng mới nghe là có chuyên gia bên Nhật Bản sang xử lý ô nhiễm của sông Tô Lịch, nếu được như thế thì tốt, chứ chúng tôi sống quanh đây nhiều năm nay khổ lắm. Ngày bình thường thì còn đỡ, chứ những ngày nắng thì mùi ô nhiễm bốc lên nồng nặc không ai dám mở cửa nhà, người đi đường thì nín thở phóng nhanh qua".

Chị Nguyễn Thị Quế, thương lái tại chợ đầu mối đường Cầu Đất cho hay: "Hôm trước tôi thấy người ta lội xuống sông đặt máy công nghệ xử lý nước thải. Nếu được thế thì dân được nhờ, chứ lâu nay bán hàng cạnh sông khổ lắm, suốt ngày phải ngửi mùi hôi thối, biết là ô nhiễm nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải chịu đựng".

Anh Nguyễn Văn Năm, sinh sống tại đường Nguyễn Ngọc Vũ nói:"Tôi cũng đọc được thông tin trên báo, nhưng có thể giải pháp này cũng là tạm thời thôi, còn lâu dài thì tôi nghĩ không khả thi vì hàng ngày nước thải vẫn xả trực tiếp xuống sông rất lớn".

Ngày 16/5, lễ khởi động dự án chính thức bắt đầu tại khu vực đường Bưởi giao Hoàng Quốc Việt.

Phát biều tại buổi khởi động dự án, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TS khoa học Nghiêm Vũ Khải cho biết: "Mặc dù công nghệ này hiện đại, nhưng không phải là "bảo bối"".