Tiêu điểm

Làm rõ lý do cán bộ y tế không muốn làm việc tại y tế cơ sở

ĐBQH đề nghị trong Nghị quyết quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo chi 100% tiền lương cho y tế cơ sở và các giải pháp căn cơ giữ chân, thu hút nhân viên y tế cơ sở.

Cần giải pháp căn cơ giữ chân nhân viên y tế

Ngày 31/3, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” họp Phiên thứ Ba, góp ý vào dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát. 

Thảo luận về dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, đa số đại biểu đánh giá cao Tổ giúp việc của đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát. 

Đại biểu đề nghị trong phần khái quát chung của dự thảo Báo cáo kết quả giám sát về việc huy động, sử dụng và phân bổ nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nêu rõ bối cảnh đây là khủng hoảng y tế toàn cầu, không riêng gì ở Việt Nam nên không thể dự báo, đoán định được.

Vì vậy, chỉ nên đề cập đến những tồn tại, hạn chế do cách thức giải quyết vấn đề phát sinh không thể dự liệu trước. Từ đó, đưa ra giải pháp tổng thể vừa tháo gỡ được khó khăn, tồn tại trước mắt và đề ra giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài.

Quang cảnh phiên họp thứ ba.

Một số đại biểu cho rằng, trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cần đánh giá và nêu bật sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội), thành viên đoàn giám sát đề nghị dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cần nêu cụ thể hơn các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong chi trả, thanh toán, hoàn trả trong trường hợp vay mượn từ các nhà cung cấp mà chưa thực hiện đấu thầu; việc xử lý các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến; vướng mắc trong đặt hàng xét nghiệm; thủ tục xác lập tài sản sở hữu toàn dân…

Về việc thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết cần bổ sung yêu cầu ngành y tế tiến hành tổng kết, đánh giá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bởi, hiện nay các địa phương đang tổ chức mô hình khác nhau; bổ sung nhận định, đánh giá về vai trò của y tế tư nhân, y tế trường học, y tế cơ sở trong các doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Một số ý kiến cho rằng, báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng cũng cần bổ sung nhận định về nhận thức của người dân trong bối cảnh hiện nay, cách thức cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Qua giám sát tại bộ, ngành, địa phương, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội nêu những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng, như thiếu nhiều công cụ chính sách để hỗ trợ trạm y tế thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất phân tích rõ nguyên nhân khiến cán bộ y tế có tâm lý không muốn làm việc tại y tế cơ sở; đề nghị trong Nghị quyết quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo chi 100% tiền lương cho y tế cơ sở và các giải pháp căn cơ để giữ chân, thu hút nhân viên y tế làm việc tại cơ sở...

Quyết toán cho lực lượng phòng, chống dịch

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, các ý kiến góp ý tại phiên họp rất sâu sát, cụ thể, đóng góp thiết thực vào nội dung Báo cáo và Nghị quyết về kết quả giám sát; đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện báo cáo.

Trong dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cũng yêu cầu, hoàn thành việc khắc phục các tồn tại hạn chế, bất cập trong lĩnh vực thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 30 của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và Nghị quyết số 80 của Quốc hội trong năm 2023.

Lưu ý về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, trong phần mở đầu Báo cáo giám sát nêu bối cảnh dịch bệnh và bối cảnh giám sát.

Bối cảnh giám sát được thực hiện khi dịch bệnh đã được kiềm chế, kinh tế có bước phục hồi và đang khắc phục một số hậu quả. Dịch bệnh diễn ra trên quy mô toàn thế giới, phức tạp, không dự báo được nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa tuyên truyền vừa thực hiện chính sách nên khó tránh khỏi thiếu sót.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận.

Dịch bệnh diễn ra rất nghiêm trọng, trải qua 4 giai đoạn, nhưng chúng ta đã ứng phó rất kịp thời, chủ động, quyết tâm, quyết liệt. Trong quá trình phòng, chống dịch chuyển từ giai đoạn chủ động sang chống dịch như chống giặc, mục tiêu kép, đa mục tiêu (chống dịch, phục hồi, an sinh, đối ngoại) và ứng phó linh hoạt.

Vì vậy, đánh giá, nhận định trong báo cáo phải có tính kế thừa, thống nhất với các chủ trương, chính sách, nghị quyết đã được ban hành từ trước; nêu rõ tồn tại, đề ra các giải pháp trước mắt và giải pháp cơ bản lâu dài với phương châm rõ việc, rõ người làm, rõ thời hạn; đối với những vấn đề chưa rõ, Quốc hội ra chủ trương, giao Chính phủ thực hiện và báo cáo Quốc hội.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định Lưu ý, Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến thành viên đoàn giám sát về bổ sung vai trò của hệ thống y tế tư nhân, y tế trường học, y tế trong doanh nghiệp; đối với việc thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội dành tối thiểu 30% ngân sách cho y tế dự phòng, bổ sung vào Nghị quyết về kết quả giám sát giao Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Về mô hình tổ chức y tế cơ sở, trong khi chưa thống nhất cần thực hiện theo nguyên tắc nhân dân được chăm sóc sức khỏe, cán bộ, nhân viên y tế được phát huy năng lực chuyên môn….