Thế giới

Lạm phát và biến động nguồn cung đang kìm hãm kinh tế Mỹ như thế nào?

CPI tháng 1 của Mỹ đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ tháng 2/1982.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Forest Ramsey và vợ là Kelly đã phải đối mặt với nhiều khó khăn để giải quyết “bài toán” giá cả tại cửa hàng sô cô la cho những người sành ăn của họ, tại thành phố Louisville, bang Kentucky.

Năm qua, chi phí nguyên liệu tại cửa hàng của hai vợ chồng đã tăng khoảng 10% đến 50%, trong khi ông Ramseys đang phải chi trả lương cho nhân viên nhiều hơn 30% so với thời điểm trước đại dịch. Do nguồn cung thiếu hụt, chi phí đóng gói của cửa hàng cũng tăng lên. Họ đã sử dụng khay 12 miếng trong hộp sô cô la, bởi không nhận được khay 8 miếng như trước.

Để duy trì cửa hàng, ông Ramseys đã đi đến một quyết định khó khăn: tăng giá bán cho khách hàng từ 10% đến 30%. Ông nói: “Chúng tôi phải điều chỉnh như vậy, bởi không còn đủ khả năng tiếp tục gánh chịu chi phí”.

“Bài toán khó” tại cửa hàng ông Forest Ramsey cho thấy lạm phát cao và những biến động trong chuỗi cung ứng đã thâm nhập đến hầu hết mọi ngóc ngách nền kinh tế Mỹ. Điều này buộc người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phải đứng trước những quyết định khó khăn mà vốn nhiều người trong số họ chưa bao giờ phải đắn đo như vậy. Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của nước này đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ tháng 2/1982 và đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp lạm phát Mỹ tăng hàng năm vượt quá 6%.

Khách hàng mua trái cây tại cửa hàng Target ở New York vào ngày 12/1/2022. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Một số vấn đề chuỗi cung ứng đã làm lạm phát gia tăng trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch. Các nhân tố chính khiến giá cả tăng vọt như chi phí lương và giá thuê nhà cao, sự thiếu hụt phụ tùng hay chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ có thể sẽ không dịu đi nhanh chóng được.

Thu nhập trung bình mỗi giờ tại Mỹ đã tăng 0,7% trong tháng 1 năm nay, cao nhất kể từ cuối năm 2020 và tăng 5,7% so với cùng kỳ. Việc tiền chi trả cho nhân viên cao hơn, mặc dù đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng có thể gây áp lực lên các công ty phải nâng cao hiệu quả hoạt động hay tăng giá để bù đắp chi phí. Vào tuần trước, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon đã thông báo tăng giá thành viên Prime hàng năm từ 119 USD lên 139 USD. Đây là dấu hiệu cho thấy chi phí nhân công và vận chuyển tăng lên.

Nhiều công ty lớn cho biết khách hàng vẫn tiếp tục chi tiêu ngay cả khi tăng giá. Tiền lương và tiền tiết kiệm cao hơn, được thúc đẩy bởi gói kích thích kinh tế của chính phủ vào năm ngoái, đã giúp duy  trì nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, theo thời gian, việc chi tiêu và tiền lương đều cao có thể khiến giá cả tiếp tục tăng theo vòng xoáy. Ông John Culver, Giám đốc điều hành (CEO) hãng cà phê nổi tiếng Starbucks, đã đề cập đến hai đợt tăng giá của công ty vào năm ngoái trong một cuộc họp với các nhà đầu tư: “Ngược lại, nhu cầu khách hàng của chúng tôi tiếp tục tăng". 

Ngân hàng Bank of America (BAC.N) hôm thứ Hai (7/2) cho biết khách hàng của họ đã thực hiện tổng số tiền thanh toán là 335 tỷ USD trong tháng 1 năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Mary Hines Droesch, Giám đốc bộ phận Sản phẩm Tiêu dùng và Doanh nghiệp nhỏ của Bank of America, chia sẻ: "Số dư tiền gửi tiết kiệm và séc của khách hàng chúng tôi đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước", "Những xu hướng này là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế khi chúng ta bước sang năm 2022". 

Giá thuê căn hộ tăng cao là một yếu tố chính góp phần gia tăng lạm phát. Giá thuê trung bình tăng 0,5% trong tháng đầu tiên năm 2022. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 20 năm và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều người Mỹ đã quay lại thành phố, trước đó một số người đã rời đi lúc đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở Harvard, tỷ lệ căn hộ trống đã đạt mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980. Và với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, nhiều người trẻ tuổi có thể sẽ ra ở riêng, khiến gia tăng nhu cầu căn hộ. Theo Nghiên cứu của Harvard, giá cho thuê căn hộ mới đã tăng gần 11% vào mùa thu năm ngoái so với một năm trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về việc tái thiết sản xuất tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower, ở Washington, DC vào ngày 8/2/2022. Ảnh: Getty Image.

Cũng có những ý kiến cho rằng lạm phát đang “hạ nhiệt”. Ông Adam Ozimek, nhà kinh tế trưởng tại trang web việc làm Upwork, nhận định rằng khi ngày càng nhiều người Mỹ tìm việc trong bối cảnh đại dịch dần được kiểm soát thì sẽ làm giảm tốc độ tăng tiền lương. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Mỹ, gồm cả người đang có việc làm hoặc đang tìm việc, đã tăng vọt trong tháng 1 lên mức 62,2%, mặc dù tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Ông Ozimek nói: “Nguồn cung lao động đang tăng nhanh, sẽ gây sức ép giảm giá và tiền lương”.

Một trong những yếu tố lớn gây lạm phát là giá ô tô mới và cũ đang có dấu hiệu chậm lại. Vào tháng 1/2022, giá ô tô đã qua sử dụng tăng gần 41% so với một năm trước, trong khi chi phí một chiếc ô tô mới tăng 12,2%. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm ngoái cho đến tháng 1 năm nay, giá xe mới không đổi còn giá xe cũ chỉ tăng 1,5% - mức tăng thấp hơn nhiều so với những tháng trước.

Ông Kevin Roberts, chuyên gia phân tích tại trang web Cargurus, cho biết nguồn cung ô tô đã qua sử dụng đang tăng lên và các nhà sản xuất ô tô cũng bắt đầu tăng sản lượng. Ông Roberts nhận định giá xe sẽ không quay trở lại như mức trước đại dịch Covid-19, nhưng có thể sẽ có một số khoản hỗ trợ về giá xe mới.

Phạm Hà Thanh (theo AP, Reuters)